Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 8 ước đạt 2,47 tỷ USD, đưa giá trị xuất khẩu của ngành 8 tháng đầu năm 2014 lên 20,22 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 9,49 tỷ USD, tăng 5,7%; Giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 4,95 tỷ USD, tăng 25,4%; Giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 4,06 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2013.

Kết quả cụ thể một số mặt hàng chủ yếu như sau:

  • Gạo: Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 8 năm 2014 ước đạt 584 nghìn tấn với giá trị 267 triệu USD đưa khối lượng xuất khẩu gạo 8 tháng đầu năm 2014 ước đạt 4,44 triệu tấn và 2,01 tỷ USD, giảm 9% về khối lượng, và giảm 5,3% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Giá gạo xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2014 đạt 452,5 USD/tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2013. Thị trường lớn nhất trong bảy tháng đầu năm 2014 là Trung Quốc với 36,18% thị phần. Đáng chú ý nhất là thị trường Philippin có sự tăng trưởng đột biến trong 7 tháng đầu năm với mức tăng gấp 2,8 lần về khối lượng và gấp 2,83 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Với mức tăng trưởng này, Philippin vươn lên vị trí đứng thứ 2 về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam, chiếm 22,99% thị phần, tiếp đến là Gana, Malaysia và Singapore, chiếm thị phần lần lượt là 5,11%; 4,39% và 3,32%.
  • Cà phê: Tháng 8 năm 2014 xuất khẩu cà phê ước đạt 89 nghìn tấn với giá trị đạt 198 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 8 tháng đầu năm ước đạt 1,22 triệu tấn và 2,529 tỷ USD, tăng 26,8% về khối lượng và tăng 22,3% về giá trị so cùng kỳ năm 2013. Giá cà phê xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm đạt 2.057 USD/tấn, giảm 4,14% so với năm 2013. Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2014 với thị phần lần lượt là 14,07% và 9,91%. Thị trường Bỉ có tốc độ tăng mạnh nhất, gấp 2,6 lần về khối lượng và gấp 2,4 lần về giá trị so với 7 tháng đầu năm 2013.
  • Cao su: Ước tính khối lượng xuất khẩu cao su tháng 8 đạt 98 nghìn tấn với giá trị 166 triệu USD, với ước tính này 8 tháng đầu năm 2014 xuất khẩu cao su đạt 548 nghìn tấn với giá trị đạt 989 triệu USD, giảm 9,8% về khối lượng và giảm 31,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Giá cao su xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2014 đạt 1.830 USD/tấn, giảm 24,96% so với cùng kỳ năm 2013. Mặc dù Trung Quốc và Malaysia vẫn duy trì là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2014, nhưng lại có xu hướng giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2013, cụ thể: Trung Quốc giảm 21,01% về khối lượng và giảm 40,25% về giá trị; Malaysia giảm 13,72% về khối lượng và giảm 40,03% về giá trị.
  • Chè: Khối lượng xuất khẩu chè tháng 8 năm 2014 ước đạt 11 nghìn tấn với giá trị đạt 20 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu chè 8 tháng đầu năm ước đạt 83 nghìn tấn với giá trị đạt 139 triệu USD, giảm 6,9% về khối lượng và giảm 1,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Giá chè xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2014 đạt 1.655 USD/tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2013. Khối lượng chè xuất khẩu sang Pakistan – thị trường lớn nhất của Việt Nam tăng 60,32% về khối lượng và tăng 92,43% về giá trị. Thị trường Coét có tốc độ tăng mạnh nhất, tăng 70,6% về lượng và tăng 74,35% về giá trị so với 7 tháng đầu năm 2013. Thị trường Inđônêxia giảm mạnh nhất, giảm 56,39% về khối lượng và giảm 55% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013.
  • Hạt điều : Khối lượng hạt điều xuất khẩu tháng 8 ước đạt 28 nghìn tấn với giá trị 185 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu điều 8 tháng đầu năm 2014 đạt 188 nghìn tấn với giá trị đạt 1,217 tỷ USD, tăng 13,9% về khối lượng và tăng 15% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2014 đạt 6.438 USD/tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2013. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hà Lan vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam chiếm lần lượt 31,55%, 15,69% và 11,54% tổng giá trị xuất khẩu.
  • Tiêu: Khối lượng tiêu xuất khẩu tháng 8 ước đạt 6 nghìn tấn, với giá trị đạt 56 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu tiêu 8 tháng đầu năm lên 126 nghìn tấn với giá trị 926 triệu USD, tăng 23,9% về khối lượng và tăng 38,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Giá tiêu xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2014 đạt 7.280 USD/tấn, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2013. Xuất khẩu tiêu sang thị trường Hòa Kỳ, Singapore, Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất và Ấn Độ – 4 thị trường lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2014 – chiếm 45,73% thị phần – có mức tăng trưởng mạnh. Thị trường Hoa Kỳ tăng 25,7% về khối lượng và tăng 35,19% về giá trị; Singapore tăng 80,74% về khối lượng và tăng gấp 2,27 lần về giá trị, Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất tăng 63,24% về khối lượng và tăng 93,63% về giá trị. Thị trường Ấn Độ tăng 85,68% về khối lượng và tăng gấp hơn 2 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2013.
  • Gỗ và sản phẩm gỗ: Ước giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 8 đạt 488 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu 8 tháng đầu năm đạt 3,87 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2013. Xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ 7 tháng đầu năm sang hầu hết các thị trường chính đều tăng, ngoại trừ thị trường Trung Quốc giảm 8,61%; Hoa Kỳ và Nhật Bản có mức tăng trưởng lần lượt là 14,6% và 23,27% so với cùng kỳ năm 2013. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản – 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam 7 tháng đầu năm 2014 – chiếm 66,18% tổng giá trị xuất khẩu.
  • Thuỷ sản: Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 8 ước đạt 679 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu 8 tháng đầu năm đạt 4,95 tỷ USD, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2013. Hoa Kỳ vẫn duy trì được vị trí là thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 22,8% tổng giá trị xuất khẩu. Xuất khẩu thủy sản sang thị trường này 7 tháng đầu năm đạt 973,84 triệu USD, tăng 38,58% so với cùng kỳ năm 2013. Bảy tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản sang hầu hết các thị trường tiêu thụ lớn khác đều tăng như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc với mức tăng tương ứng đạt 6,39%, 53,83% và 27,37%.
  • Sắn và các sản phẩm từ sắn: Khối lượng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn trong tháng 8 ước đạt 193 nghìn tấn, với giá trị đạt 70 triệu USD đưa tổng khối lượng xuất khẩu mặt hàng này 8 tháng đầu năm đạt 2,26 triệu tấn với giá trị đạt 729 triệu USD, giảm 2,6% về khối lượng và giảm 4% về giá trị so cùng kỳ năm 2013. Bảy tháng đầu năm 2014, giá trị xuất khẩu sắn và các sản phẩm sắn sang hầu hết các thị trường lớn đều giảm mạnh, ngoại trừ thị trường Nhật Bản tăng mạnh (tăng gấp 12 lần về khối lượng và tăng gấp gần 7 lần về giá trị); Malaysia tăng 6,65% về khối lượng nhưng giảm 3,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu sắn và các sản phẩm sắn lớn nhất của Việt Nam với 84,95% thị phần.

Nguồn: Trung tâm tin học và thống kê Bộ NN&PTNT

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác