Tập đoàn Cao su “xuống nước” trước Global Witness
Theo Global Witness, trước yêu cầu của tổ chức này, lần đầu tiên người dân tại Campuchia và Lào bị ảnh hưởng bởi quá trình trồng cao su đã có thể khiếu nại, thắc mắc trực tiếp với Tập đoàn Cao su Việt Nam.
Trong thông báo mới nhất của Tổ chức Nhân chứng toàn cầu (Global Witness), trước những yêu cầu của Global Witness và các nhóm địa phương, Tập Đoàn Cao Su Việt Nam (VRG) đã có có những bước tiến trong cải cách hoạt động kinh doanh ở Lào và Campuchia.
Theo đó, những người dân bị ảnh hưởng trong quá trình VRG triển khai trồng cây cao su tại địa phương đã có thể nộp đơn khiếu nại hay thắc mắc chính thức lên Tập đoàn. Trước đây không có hệ thống cho phép người dân tiếp xúc với công ty theo cách này.
Bà Megan Maclnnes của Global Witness ghi nhận, “Các hoạt động này dù không đủ để giải quyết các vấn đề gây ra do việc trồng cây cao su của công ty, nhưng nếu được thực hiện thỏa đáng, nó có thể cho thấy một động thái có ý nghĩa của công ty cao su hướng về việc đem lại bình đẳng cho các người dân, bị mất đất đai và sinh kế”.
Theo quan sát của Global Witness, cao su là một ngành thương mại bùng phát ở vùng Mê Kông, nhưng đây là một trong những hàng hóa dựa vào đất đai ít được quản lý nhất trên toàn cầu. Lỗ hổng của luật pháp này khơi mào cho khủng hoảng mất đất ở Lào và Campuchia, mà chưa thấy dấu hiệu thuyển giảm trong năm năm qua.
Báo cáo Rubber Barons (Những ông trùm cao su) năm 2013 của Global Witness đưa ra cáo buộc, VRG và một trong những công ty cao su lớn nhất Việt Nam – Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), đã thỏa thuận với chính phủ Lào và Campuchia về các dải đất lớn mà không xin phép người dân sống trên đó, hay bồi thường cho họ.
Global Witness khẳng định, VRG là một tác nhân lớn trong vùng. Theo số liệu của công ty, VRG có gần 150.000 hec-ta đất chuyển nhượng ở Campuchia – quy mô xấp xỉ với London hay Manila. Ở Lào công ty có hơn 19.000 hec-ta.
Global Witness cho hay, từ khi báo cáo “Những ông trùm cao su” của tổ chức này được công bố thì VRG và các công ty thành viên đã thực hiện thí điểm chương trình tham vấn cộng đồn, một số cộng đồng nhận được tiền đền bù cho đất canh tác bị mất cho các công ty trồng cao su. VRG cũng đang thực hiện mở rộng chương trình này khắp 21 đồn điền cao su ở Lào và Campuchia.
Thông báo gần đây nhất của VRG cam kết sẽ giải quyết các vấn đề khiếu nại, chất vấn, và sẽ phản hồi trong vòng 30 ngày. Các cá nhân, cộng đồng hay các nhóm đại diện có thể nộp các đơn khiếu nại trực tiếp hay gửi thư đến văn phòng địa phương của VRG hay ở các trụ sở công ty ở thủ đô Phnom Penh và Viên Chăn. Global Witness sẽ phối hợp với các tổ chức địa phương để giám sát và đánh giá hệ thống này trong 2 năm sắp đến.
“Phép thử bây giờ là liệu khiếu nại của người dân có được giải quyết công bằng hay không – bao gồm bồi thường tài chính cũng nhưng đem lại các phương thức sinh kế thay thế, “ bà Maclnnes nói. “ Các biện pháp mới đang được triển khai theo hướng đúng đắn nhưng chúng tôi quan tâm sâu sắc đến việc chặt phá rừng và khai hoang bất hợp pháp đang diễn ra trong và gần các đồn điền cao su của VRG. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi công ty này một cách sát sao.”
Trước đó, như Dân trí đã đưa tin, hồi tháng 6 năm ngoái, đúng 1 tháng sau khi Global Witness tung ra bản báo cáo “Những ông trùm cao su” cáo buộc VRG và Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) lấy đất trồng cao su tại Lào, Campuchia là không hợp lệ thì VRG đã có phản hồi trở lại.
Thông cáo mà VRG phát đi thời điểm đó khẳng định, những cáo buộc của Global Witness là không thuyết phục vì những hoạt động của tập đoàn tại Lào và Campuchia đều nằm trong khuôn khổ các chương trình hợp tác về kinh tế giữa Việt Nam và hai nước nói trên. Do đó, những đầu tư của VRG tại đây đều phải đảm bảo nguyên tắc trên cơ sở bền vững có trách nhiệm tại những địa phương mà VRG đầu tư. Và những hoạt động đầu tư lây đất trồng cao su của VRG là hợp lệ.
Bích Diệp
Theo Dân Trí
//Tin tự động cập nhật//