I. Thế giới:

Từ năm 2010, tiêu thụ cao su liên tục tăng với tốc độ tăng trưởng bình quân 3%/năm. Tuy nhiên, tăng trưởng nguồn cung giai đoạn này là 4,3%/năm, nhanh hơn so với nhu cầu. Đặc biệt, nguồn cung tại khu vực Đông Nam Á, vốn chiếm khoảng 75% nguồn cung cao su thế giới, tăng mạnh do diện tích đưa vào khai thác tăng. Điều này khiến giá cao su liên tục sụt giảm. Theo dự báo của Tổ chức Nghiên cứu Cao su Quốc tế (IRSG) và Ngân hàng Thế giới (WB), giá cao su tiếp tục giảm nhẹ và sẽ thiết lập mặt bằng giá mới dao động ở mức 2.000-2.300 USD/tấn trong giai đoạn 2015-2020.

Giá cao su thiên nhiên tại Sở Giao dịch hàng hóa kỳ hạn Tokyo (Tocom), Nhật Bản đã giảm trở lại trong tháng 7, sau khi tăng lên các mức cao vào cuối tháng 6. Nếu như vào đầu tháng 7, giá cao su hợp đồng benchmark tháng 12/2014 đạt mức 211,1 yên/kg, thì đến ngày 18/7 giá đóng cửa hợp đồng benchmark chỉ còn 202,2 yên/kg, với mức thấp nhất thiết lập trong tháng vào cuối ngày 15/7 với mức 198 yên/kg. Nguyên nhân gây giảm giá cao su Tocom là do lo ngại tiếp tục đè nặng về tình hình tồn kho cao su cao tại Trung Quốc cùng với việc ngân hàng HSBC hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống còn 2,4% so với dự báo trước đó là 2,6%. Phiên giao dịch ngày 8/7, giá cao su tặng nhẹ nhờ thặng dư tài khỏan vãng lai của Nhật Bản tăng trong 4 tháng liên tiếp (tính đến tháng 5/2014). Tuy nhiên, các phiên còn lại đều chứng kiến sự giảm giá do ảnh hưởng từ việc giá dầu giảm khi lo ngại kinh tế bất ổn tại Li-bi và I-rắc lắng dịu.

Báo cáo ngành hàng cao su tháng 7.2014Về cuối tháng, thị trường cao su Tocom càng giảm trước những biến động trái chiều từ thị trường như áp lực tồn kho tăng cao khiến các nhà đầu tư bán tháo để tránh lỗ, trong khi giá dầu thế giới bất ngờ hồi phục sau khi giảm liên tục trong nhiều ngày liền phần nào hỗ trợ giá cao su. Hiện tại, giá cao su thế giới có dấu hiệu hồi phục nhẹ nhờ số liệu lạc quan từ Trung Quốc khi GDP nước này trong quý II/2014 tăng trưởng 7,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các yếu tố tác động đến thị trường cao su thế giới trong tháng 7 bao gồm:

– Trong khi tồn kho cao su tại các kho ngoại quan Thanh Đảo, Trung Quốc đã giảm xuống thấp nhất trong 5 tháng, một phần do nhu cầu sử dụng cao su làm tài sản thế chấp cho vay giảm, tuy nhiên tại Thượng Hải vẫn còn tồn kho gần 150.000 tấn cao su. Tồn kho cao su tại các cảng biển Nhật Bản tính đến ngày 30/6/2014 là 20.874 tấn, giảm 1,6% so với 10 ngày trước đó, theo số liệu từ Hiệp hội Kinh doanh Cao su Nhật Bản. Trong khi đó, tồn kho cao su được giám sát bởi Sàn Giao dịch Thượng Hải đã tăng 1,8% từ cuối tuần trước (11/7).

Xuất khẩu Trung Quốc tháng 6 tăng trưởng thấp hơn dự báo. Theo Cục Hải quan Trung Quốc, xuất khẩu tháng 6 tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với 7% của tháng 5 nhưng thấp hơn nhiều so với 10,6% dự báo của các chuyên gia.

Thị trường dầu thế giới đã ổn định trở lại sau khi giảm liên tục trong tuần trước. Giá dầu ngọt, nhẹ giao tháng 8 tăng 0,1% lên 100,91 USD/thùng trên sàn Nymex trong khi giá dầu Brent tăng 0,3% trên sàn ICE lên 106,98 USD/thùng.

II. Việt Nam:

Giá cao su trong nước liên tục giảm trong tháng 7. Theo Trung tâm Tin học và Thống kê (CIS), giá mủ cao su thiên nhiên dạng nước tại Bình Phước từ mức 10.240 đ/kg (2/7) tăng lên 10.880 đ/kg (4/7), bắt đầu giảm xuống mức 10.560 đ/kg (7/7) và giảm liên tiếp xuống chỉ còn 9.600 đ/kg (21/7). Giá mủ cao su giảm khiến người trồng cao su lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan bởi việc chuyển đổi sang trồng cây khác không phải là điều dễ dàng bởi áp lực trả nợ ngân hàng với chi phí sản xuất, chăm sóc vườn cao su, cũng như việc đưa ra quyết định trồng cây nào thay thế cho phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương.

Báo cáo ngành hàng cao su tháng 7.2014Theo Hiệp hội cao su Việt Nam (VRA), giá cao su xuất khẩu của Việt Nam không thay đổi kể từ đầu tháng 7 với giá chủng loại SVR 3L đạt 1.945 USD/tấn. Tuy nhiên, vào ngày 15/7, giá cao su xuất khẩu có giảm nhẹ, trừ các chủng loại SVR 5, SVR 10, SVR 20 vẫn giữ ở mức cũ. Kết thúc tuần 18/7, giá cao su SVR 3L giảm còn 1.845 USD/tấn. Giá cao su SVR 3L trung bình trong 3 tuần đầu tháng 7 đạt 1.931 USD/tấn, giảm 34 USD so với mức trung bình tháng 6, và giảm 294 USD so với tháng 7/2013.

Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam trong tháng 6/2014 ước đạt  93.733 tấn, trị giá đạt 161,035 triệu USD, giá xuất khẩu bình quân đạt 1.718 USD/tấn. So với tháng 5/2014, cao su xuất khẩu tăng 48,9% về lượng, tăng 38,8% về giá trị, nhưng giảm 6,7% về giá. Trong 6 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu cao su của Việt Nam ước đạt 348.607 tấn, trị giá đạt 652,241 triệu USD, giá xuất khẩu bình quân đạt 1.870 USD/tấn. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu cao su thiên nhiên giảm 8,7% về lượng, giảm mạnh 32,2% về giá trị và giảm 25,7% về giá.

Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với 138.542 tấn, chiếm 39,7% tổng lượng xuất khẩu (giảm 24,5% so với cùng kỳ năm trước), giá trị đạt 247,840 triệu USD, chiếm 38,0% tổng kim ngạch xuất khẩu cao su thiên nhiên trong 6 tháng 2014 (giảm 43,4% so với cùng kỳ năm trước). Tiếp đến là thị trường Ma-lai-xia đạt 64.624 tấn (thị phần 18,5%, giảm 15,1%) và Ấn Độ 24.998 tấn (thị phần 7,2%, tăng 20,1%).

Nhập khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2014 khoảng 44.557 tấn với kim ngạch 82,924 triệu USD, giảm 12,1% về lượng và giảm 35,4% về giá trị so với cùng kỳ năm trước, thị trường nhập chủ yếu từ Cam-pu-chia (44,0%), Lào (14,5%) và Thái Lan (11,9%).

Nguyễn Lan Anh

Tài liệu tham khảo:

  1. Báo cáo Thống kê của Trung tâm Tin học và Thống kê (CIS), Bộ Nông nghiệp & PTNT
  2. CSDL giá nông sản PMARD của CIS
  3. Tin Reuters

Website: VRA, TTXVN, Vinanet, Vneconomy.

Nguồn: Trung tâm XTTM Bộ NN&PTNT

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác