Giá cao su đang ở mức thấp kỷ lục khi chỉ đạt 31 triệu đồng/tấn. Nhiều doanh nghiệp chia sẻ, lợi nhuận quý II/2015 sẽ thấp hơn nhiều so với quý I.

Trao đổi với ĐTCK, ông Bành Mạnh Đức, Phụ trách công bố thông tin CTCP Cao Su Hòa Bình (HRC) cho biết, giá cao su giảm mạnh từ đầu năm 2015 đến nay và nhiều khả năng xu hướng giảm tiếp tục kéo dài đến hết năm, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành. Giá bán cao su tại HRC hiện chỉ đạt 30 – 31 triệu đồng/tấn, thấp hơn gần 2/3 so với mức cao trong năm 2011 và thấp hơn gần một nửa so với đầu năm 2014.

Giá cao su giảm, doanh nghiệp ước lợi nhuận quý II thấp

Từ năm 2012, diện tích trồng cao su của Việt Nam đã vượt xa quy hoạch cho năm 2020

“Với mức giá như hiện nay, HRC gần như không có lợi nhuận từ hoạt động mua bán mủ cao su. Chính vì vậy, lợi nhuận sau thuế quý II/2015 dự báo chỉ đạt trên 7 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với con số 21,68 tỷ đồng đạt được trong quý I”, ông Đức nói.

Theo đại diện HRC, hiện tại, lợi nhuận của Công ty chủ yếu đến từ hoạt động thanh lý vườn cây cao su. HĐQT HRC đã thống nhất sẽ tổ chức ĐHCĐ thường niên 2015 vào ngày 27/5 tới. Việc thực hiện thoái vốn tại các dự án đầu tư bên ngoài sẽ tiếp tục được HRC liên hệ với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và các đơn vị có liên quan tiến hành theo kế hoạch.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quý I/2015, cả nước xuất khẩu 196.000 tấn cao su, trị giá 279 triệu USD, tăng 31,9% về khối lượng nhưng giảm 6,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014 do giá cao su sụt giảm. Hiệp hội Cao su Việt Nam dự báo, giá cao su tiếp tục có xu hướng giảm trong năm 2015.

Đại diện CTCP Cao su Tây Ninh (TRC) cho hay, giá cao su trong nước đang sụt giảm đáng kể so với thời điểm đầu năm và xu hướng giảm vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt, gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất cao su tự nhiên. Chính vì vậy, TRC cũng như nhiều doanh nghiệp trong ngành thận trọng khi đặt kế hoạch kinh doanh năm 2015. Để tránh rủi ro khi giá cao su giảm, trong năm 2015, TRC và các doanh nghiệp khác thực hiện giảm khai thác, giảm lượng hàng tồn kho.

CTCP Cao su Phước Hòa (PHR) là doanh nghiệp lớn nhất trong ngành tính trên quy mô vốn điều lệ. Nhận định thị trường cao su còn nhiều biến động trong năm 2015, HPR đặt chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận ở mức thấp. Cụ thể, kế hoạch tổng doanh thu là 1.116 tỷ đồng, giảm 32%; lợi nhuận sau thuế 115,65 tỷ đồng, giảm 57% so với năm 2014.

Trong quý I/2015, PHR đạt 270,3 tỷ đồng doanh thu và hơn 39 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 47% so với cùng kỳ năm 2014. Không đưa ra mức lợi nhuận dự kiến đạt được trong quý II/2015, nhưng PHR dự báo cũng không nằm ngoài tình trạng chung của các doanh nghiệp trong ngành, đó là lợi nhuận quý II và cả năm sẽ giảm mạnh, trong bối cảnh giá cao su hiện giảm gần một nửa so với đầu năm ngoái. Tình trạng này cũng tương tự đối với CTCP Cao Su Đồng Phú (DPR).

Giá cao su giảm khiến giá cổ phiếu của các doanh nghiệp cao su niêm yết giảm theo. Chỉ số P/E của nhóm các công ty sản xuất cao su thiên nhiên hiện ở mức thấp so với mặt bằng chung của thị trường, chỉ từ 4 – 6 lần, ngoại trừ HRC có P/E trên 10 lần.

Nhìn ở góc độ triển vọng cổ phiếu ngành cao su, giá cao su thiên nhiên tạo đáy cũng là lúc giá cổ phiếu ngành này ở vùng đáy. Điều này cho thấy, cơ hội đối với cổ phiếu ngành này đang xuất hiện, nhưng vấn đề là đáy hình chữ “V” hay hình chữ “U”. Theo báo cáo phân tích cổ phiếu ngành cao su gần đây của một số CTCK, giá cổ phiếu ngành này đang ở mức thấp, mở ra cơ hội đầu tư theo chu kỳ rất đáng xem xét trong thời gian tới.

Tình trạng cung vượt cầu hiện tại là hệ quả từ những năm trước, do các doanh nghiệp ồ ạt trồng cao su. Không chỉ Việt Nam, mà nhiều nước trên thế giới cũng phát triển diện tích cao su lớn, dẫn đến lượng hàng tồn kho cao. Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp ngoài ngành “lấn sân” sang trồng và sản xuất cao su.

Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển cao su, theo đó đến năm 2020, Việt Nam sẽ có diện tích trồng cao su ổn định là 800.000 héc-ta. Thế nhưng, đến năm 2012, diện tích trồng cao su đã lên đến 915.000 héc-ta. Năm 2014, giá cao su giảm mạnh khiến không ít vùng trồng cao su phá bỏ các diện tích trồng mới, tuổi đời thấp, nhưng diện tích cao su cả nước vẫn ở mức 955.000 héc-ta. Như vậy, trong 10 năm (2004-2014), diện tích cao su của Việt Nam đã tăng lên gấp đôi.

Hoàng Anh
Theo Tinnhanhchungkhoan

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác