Để đảm bảo tiêu thụ sản phẩm ổn định, bền vững trong dự báo giá cao su tiếp tục ở mức thấp, theo Ban Xuất nhập khẩu VRG cần chủ động thay đổi cơ cấu sản phẩm, sản xuất những gì thị trường cần, cùng với tiết giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành.

Thay đổi cơ cấu sản phẩm theo thời điểm

Ban Xuất nhập khẩu VRG đề nghị cần có chiến lược sản phẩm phù hợp và đảm bảo chất lượng sản phẩm đồng đều, ổn định. Tùy tình hình thị trường đang có nhu cầu về chủng loại nào nhiều và có giá hiệu quả, như latex và mủ tờ, cùng với năng lực sản xuất của công ty thì linh hoạt sản xuất chủng loại đó.

Theo ông Đặng Quang Trung – Trưởng Ban Công nghiệp VRG, để dễ bán và bán giá cao cần đưa ra cơ cấu sản phẩm trong từng thời điểm phù hợp. Ví dụ như Công ty Chư Prông đã cải tạo dây chuyền để tăng sản lượng mủ ly tâm từ 1.600 tấn lên 1.900 tấn hay hiệu quả cải tạo từ dây chuyền mủ tờ của Chư Sê. “Các đơn vị cần tham quan lẫn nhau, từ đó xác định mặt hàng chiến lược, nắm chắc để chủ động sản xuất, bán được hàng với giá cao”, ông Trung đề nghị.

Sản xuất “sạch”, giảm giá thành

Theo Ban Xuất nhập khẩu, khi giá cao su tiếp tục giảm thấp, để có thể mang lại hiệu quả trong sản xuất và tiêu thụ, các công ty cần lập phương án cắt giảm thấp nhất những chi phí có thể giảm được để có thể giảm giá thành tương ứng khi giá bán tiếp tục giảm thấp. Thiếu thông tin dự báo về giá bán trên thị trường và thiếu phương án giảm giá thành kịp thời sẽ mang lại kém hiệu quả trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm của đơn vị.

Riêng Ban Công nghiệp đề nghị các đơn vị đẩy mạnh sản xuất mủ ly tâm, mủ tờ, mủ SVR 10. Ban sẽ đưa công nghệ mới, phù hợp, chi phí thấp như sắp tới sẽ sản xuất mủ 10 từ nguyên liệu mủ đông, mủ nước. Ban Công nghiệp cũng đang xây dựng quy trình theo dõi giá thành chế biến để đảm bảo giá thành thấp nhất, cụ thể theo từng khu vực. Để giảm bớt chi phí, biện pháp được đưa ra là sản xuất “sạch”, tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu. Ví dụ như sấy bằng dầu DO thay vì bằng dầu tản nhiệt.

Về lâu dài cần có định hướng sản phẩm chính trong dài hạn theo lợi thế của công ty và quảng bá mở rộng thị trường, tìm khách hàng mới bên cạnh luôn nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, Ban Xuất nhập khẩu đề nghị có những dự báo, cập nhật thông tin thường xuyên về thị trường, giá cả để có đối sách kịp thời khi giá trên thị trường biến động mạnh, cao su khó tiêu thụ.

Các công ty Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung: Tích cực mở rộng thị trường khác

Các công ty khu vực Tây nguyên và Duyên hải miền Trung hiện nay vẫn tập trung vào thị trường mậu biên và nội tiêu. Trong khi đó, lượng sản xuất cao su tiểu điền và tư nhân ngày càng nhiều, cùng tập trung vào thị trường này. Cộng thêm việc quản lý thị trường tiểu ngạch của Trung Quốc (TQ) ngày càng chặt chẽ, nhu cầu mậu biên có giới hạn, TQ có xu hướng chèn giá, ép giá khi cao su VN đưa ra biên giới nhiều và thiếu sự quản lý.

Ngoài ra việc các công ty mang cao su ra biên giới cho khách hàng TQ xem hàng rồi mới định giá mua bán có thể gây rủi ro cho doanh nghiệp rất lớn. Để giảm thiểu rủi ro về giá và tồn kho lâu tại biên giới, Ban Xuất nhập khẩu đề nghị các công ty chỉ nên đưa hàng ra mậu biên khi đã có khách hàng TQ hỏi hàng và đặt cọc tiền hàng trước.

Chiến lược dài hạn của các đơn vị này là có kế hoạch mở rộng xuất khẩu vào các thị trường khác ngoài mậu biên trong năm 2015. Bên cạnh đó cần chú trọng đến công tác kiểm phẩm và cấp chứng chỉ kiểm phẩm phù hợp với thông lệ quốc tế.

Theo Tạp chí CSVN

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác