Đến khu phố Phú Thịnh, xã Phú Riềng, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước hỏi ông Nguyễn Hữu Năm, ít người biết nhưng hỏi “cụ ông quét lá cao-su” ai cũng biết.

 

Ông Năm chỉ về nhà lúc chập tối, mờ sáng lại vào khu rẫy rộng hơn 30 ha cao-su và vườn cây ăn trái sum suê ở thôn 3, xã Long Tân, huyện Bù Gia Mập. Ở đây nhiều người trồng cao-su nhưng người biết chế chiếc máy quét lá cao-su chỉ duy nhất có mình “Hai Lúa” Nguyễn Hữu Năm. Là một trong những nông dân có thành tích sản xuất giỏi nhất ở Bình Phước hơn 10 năm nay, ông Năm nhiều lần đi báo cáo điển hình toàn quốc. Thu nhập từ vườn cây ăn trái và cao-su của ông bình quân mỗi năm vài tỉ đồng. Trang trại hơn 30 ha cao-su của ông Năm vào loại đẹp nhất khu vực, bởi ông có kĩ thuật trồng, chọn giống và chăm sóc rất tốt. Hiện ông quản lí hơn 10 công nhân nông nghiệp trong trang trại của mình. Biết tin ông Năm sản xuất thành công máy quét lá cao-su đầu tiên ở Bình Phước và khu vực Đông Nam Bộ từ lâu, nhưng phải qua nhiều lần hẹn chúng tôi mới được “diện kiến” và nghe ông kể về sự hình thành ý tưởng chế tạo máy quét lá cao-su. Xuất thân từ một công nhân cạo mủ cao-su, ông đã nếm trải đủ khắc nghiệt của thiên nhiên. Vào mùa khô, hàng trăm nghìn héc-ta cao-su của các nông lâm trường và các  hộ nông dân tiểu điền đứng trước nguy cơ bị cháy. Nếu không có biện pháp kịp thời thì toàn bộ công sức, của cải đổ xuống sông xuống biển. Nếu một công nhân quét lá bằng máy cắt cỏ thì chỉ được vài sào một ngày, đã thế máy rung làm nhức mỏi cơ bắp nên không ai có thể quét quá một tuần. Trăn trở mãi, ông Năm quyết tâm sản xuất máy quét lá cao-su. Mọi việc bắt đầu từ năm 1995, khi ông Năm mua một máy tuốt lúa nương trị giá 15 triệu đồng.

Ông “Hai Lúa” chế tạo máy quét lá cao su

Ông Nguyễn Hữu Năm bên chiếc máy do mình chế tạo.

 

Theo ông Năm, cốt lõi của vấn đề là phải cải tiến cánh quạt tạo ra những luồng gió nhất định. Ông tháo rời từng bộ phận để nghiên cứu và cho thay thế bằng một trục lớn có gắn các cánh quạt được che kín, thành một góc vuông tạo gió. Chiếc máy quét lá cao-su của ông gồm hai bộ phận: Máy kéo truyền lực và quạt gió. Bộ phận kéo và truyền lực lấy từ chiếc máy cày. Còn bộ phận quạt gió gắn với trục quay của máy cày nhưng qua một hộp số để thay đổi vận tốc của cánh quạt theo ý muốn. Khi vận hành máy cày chạy dọc theo các lô cao-su truyền chuyển động cho bộ phận cánh quạt, tạo sức gió phía sau đẩy lá cao-su gọn thành từng lớp như có người xếp. Lúc đầu, do bị ma sát lớn nên máy rất nóng, sau ông Năm cải tiến lại bằng một hệ thống bôi trơn, máy hoạt động hiệu quả hơn. Một công nhân một ngày sử dụng máy 8 tiếng có thể quét sạch từ 8 đến 10 ha cao-su, hao tốn 10 lít dầu, tiết kiệm và hiệu quả hơn nhiều so với dùng máy cắt cỏ để quét. Nếu một nông trường có 1.000 ha cao-su, chỉ cần 5 công nhân với 5 máy quét lá giải quyết trong vài tuần lễ là xong vừa sạch sẽ vừa an toàn. Vào thời vụ, ông thường đi quét mướn cho các hộ nông dân tiểu điền trong khu vực, vừa nhanh chóng, vừa rẻ mà vườn cây sạch.

 

Được tin ông Nguyễn Hữu Năm chế tạo thành công máy quét lá cao-su, Phòng Nông nghiệp huyện cử cán bộ về tham quan nghiên cứu và đề nghị ông đăng kí bản quyền, nhưng ông từ chối bởi các thủ tục hành chính rườm rà mất rất nhiều thời gian. “Một lão nông như tôi làm ra cỗ máy chủ yếu từ kinh nghiệm chứ bảo viết một báo cáo sáng kiến khoa học thì tôi chịu”, ông Năm phân bua.

 

Bài và ảnh Đông Dương

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác