Cách đây 8 năm, cây cao su trở thành niềm hi vọng đổi đời của hầu hết người dân tỉnh Quảng Trị. Nhưng giờ đây, sau trận cuồng phong, cơn bão số 10, số 11 năm 2013; cùng sự xuống giá đến cực điểm của cao su đã khiến nó trở thành cơn ác mộng…

Chúng tôi gặp chị Lê Thị Thanh, ở thôn Kinh Tế Mới, xã Trung Sơn (Gio Linh, Quảng Trị) đang thu dọn cành củi khô trên 1ha cây cao su 8 năm tuổi đang héo hon giữa những cơn gió Lào khô khốc. Gia đình chị được dự án trồng cao su của tỉnh Quảng Trị cho vay 9 triệu đồng mua cây giống, ủi đất, phân bón để trồng cao su, hằng năm được vay thêm 2,5 triệu/ha mua phân chăm bón, đến khi thu hoạch phải trả cả vốn lẫn lãi. Cần cù làm lụng, chăm bón suốt 7 năm trời mong đến ngày thu hoạch. Vậy nhưng, niềm vui vì mỗi ngày khai thác 500 cây cao su được 200 nghìn đồng của gia đình chị chẳng được bao lâu. Cơn bão số 10 năm 2013 đã lấy đi tất cả. Hơn 300 cây cao su gia đình chị đổ rạp, “vàng trắng” chảy lênh láng, nước mắt vợ chồng chị Thanh cũng từ đó lăn dài. Gần 30 triệu đồng tiền vay vốn không biết lấy đâu mà trả. Còn 200 cây cao su xiêu vẹo, gia đình chị Thanh cố chăm sóc giữ gìn mong vớt vát lại chút ít. Tuy nhiên, niềm hy vọng đã bị dập tắt, vì hiện nay giá cao su quá rẻ mạt, chỉ còn 8/10 nghìn đồng/kg, chưa bằng nửa giá so với năm 2012…

Tương tự, gia đình anh Nguyễn Hữu Toàn, ở thôn Bàu, xã Vĩnh Kim, Vĩnh Linh, Quảng Trị, 1ha cao su của anh trồng năm 2007, chỉ còn 20 cây sau cơn bão số 10. Lúc gặp chúng tôi, vợ chồng anh Toàn hì hục đào gốc cao su sau khi cưa xong. “Vợ chồng tui vay mượn bà con, gia đình cha mẹ vợ được mấy chục triệu, trồng được 550 cây cao su. Mới cạo được 3 tháng chưa đủ tiền mua chén đựng mủ thì bão số 10 đã cuốn sạch tài sản của vợ chồng tui, nợ nần không biết lấy đâu mà trả”. Anh Toàn cho hay, dọn xong vườn cao su, anh sẽ trồng lại cây môn, xen khoai. “Tui muốn trồng lại cao su nhưng không có vốn. Mong sao Nhà nước hỗ trợ cho chút ít để trồng lại cao su, chứ còn ở đây không trồng cao su thì cũng không biết trồng cây gì để phát triển kinh tế”, anh Toàn lo lắng. Gia đình ông Nguyễn Văn Tuấn (60 tuổi, thôn Nông Trường, xã Vĩnh Hiền, Vĩnh Linh, Quảng Trị) có 1,5 ha, với 750 cây cao su cũng đã bị cưa sạch. Ông Tuấn cho biết, vườn cao su nhà ông trồng từ năm 1998, hơn 6 năm nay, hằng ngày cho thu nhập từ 500 – 700 nghìn đồng. Từ sau bão số 10 tàn phá, chỉ còn 300 cây. “Cao su tan nát, không còn được bao nhiêu nhưng tui vẫn để lại, không cưa mà chăm bón để mong mỗi ngày khai thác, vớt vát được ít đồng. Ai ngờ bây giờ giá cao su thấp quá, thu nhập không đủ tiền chăm bón nên đành chặt bỏ. Tiếc lắm nhưng biết làm sao bây giờ”…

Người dân tỉnh Quảng Trị đang rất mong muốn trồng lại cao su nhưng họ sợ nước mắt “vàng trắng” lại rơi. “Cao su đi dễ khó về”, đó là lời ca thán đau lòng của người dân huyện Vĩnh Linh. Ông Đào Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị cho hay, từ sau bão số 10 năm 2013, Sở đã chỉ đạo, nếu diện tích cao su bị hư hại trên 70% thì buộc phải chặt bỏ. Sở hỗ trợ giống ngô, lạc để bà con cải thiện đời sống. Còn diện tích có khả năng phục hồi phải cố gắng chăm sóc, phục hồi. Việc giá cả cao su là do thị trường, Sở cũng khó lòng giải quyết. Nhưng thực sự người nông dân đang bấp bênh trong thị trường đầy khó khăn hiện nay, đặc biệt là sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Ông Hùng khuyến cáo bà con nông dân không nên chặt bỏ cao su khi còn có thể phục hồi, tránh tạo ra hiệu ứng dây chuyền một người chặt được thì nhiều người phá được. Đừng để tình trạng khi cao su giá rẻ thì chặt bỏ, đến khi giá cao lại không có bán. “HĐND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Nghị quyết 02 về việc hỗ trợ vốn vay cho nông dân trồng, phục hồi cây cao su. Sở NN&PTNT tỉnh đang xây dựng kế hoạch chi tiết để đầu năm 2015 sẽ triển khai hỗ trợ vốn cho nông dân. Dự kiến mỗi ha, nông dân sẽ được vay vốn từ 50-100 triệu đồng”, ông Hùng cho biết.

– CAND

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác