Giá cao su kỳ hạn trên các sàn giao dịch cao su quốc tế đã tăng khá sau khi các nước sản xuất và xuất khẩu (XK) cao su chủ chốt cam kết không bán cao su dưới mức giá 1,5 kg/USD, hạn chế khai thác và mua cao su tạm trữ nhằm tăng giá bán.

Thị trường chuyển biến tích cực

Không bán dưới mức 1,5 USD/kg

Tại cuộc họp vào ngày 10/10/2014, các đại diện đến từ Thái Lan, Indonesia, Việt Nam, Malaysia và Campuchia và Hiệp hội Cao su Quốc tế (IRCo) bày tỏ nhất trí hạn chế bán cao su dưới mức giá hiện tại, quyết tâm nâng giá bán cao su lên mức hợp lý đối với nhà sản xuất và người tiêu dùng. IRCo nêu rõ “5 hiệp hội cao su đều cho rằng nền tảng thị trường cao su hiện tại không xấu như những gì thị trường nhận thức”.

Hội đồng Cao su quốc tế 3 bên (ITRC) gồm Thái Lan, Indonesia và Malaysia – 3 nước sản xuất và XK cao su hàng đầu thế giới, cũng dự định tiến hành phiên họp vào đầu tháng 11 nhằm giải quyết vấn đề giá cao su tuột dốc. ITRC muốn cắt giảm nguồn cung thông qua chương trình trồng mới và tái canh dài hạn và tăng tỷ lệ sử dụng cao su trong xây dựng đường xá.

Các Hiệp hội Cao su từ Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Việt Nam và Campuchia sau phiên họp vào ngày 10/10, đã nhất trí thúc giục Hội viên không bán cao su dưới 1,5 USD/kg. Mức giá 1,5 USD/kg hiện vẫn thấp hơn chi phí sản xuất.

Bản thân các nước sản xuất và XK cao su cũng có những biện pháp riêng nhằm kiềm đà giá cao su giảm sâu thêm. Ủy ban Chính sách Cao su Quốc gia Thái Lan đã thông qua kế hoạch chi 30 tỷ baht (925 triệu USD) để mua cao su tạm trữ từ 22/10. Chính phủ Thái Lan đặt mục tiêu đẩy giá cao su lên ít nhất 60 baht/kg trong 2 tháng tới.

Sản lượng cao su thiên nhiên của Thái Lan dự báo giảm trong năm nay sau khi nông dân cao su nước này ngừng khai thác mủ. Hiệp hội Cao su Thái Lan cho biết, sản lượng cao su thiên nhiên của nước này không thể vượt quá 3,8 triệu tấn trong năm 2014, giảm so với 4,2 triệu tấn năm 2013.

Malaysia dự kiến sẽ giảm sản lượng ở các nước thông qua việc hạn chế trồng mới và tái canh cây cao su. Nước này cũng dự định tăng tiêu thụ nội địa bằng việc xây đường sá bằng cao su từ năm tới. Thái Lan, Indonesia cũng có kế hoạch sử dụng cao su trong xây dựng đường sá, vĩa hè và hồ chứa nước…

Hiệp hội Cao su VN (VRA) đã gửi thông báo đến các Hội viên đề nghị hợp tác, không chào bán cao su với giá dưới 1,5 USD/kg nhằm kiềm chế giá cao su giảm sâu hơn nữa và phục hồi lòng tin thị trường. VN cũng đang chú trọng hơn tiêu thụ cao su nội địa bằng việc phát triển ngành công nghiệp cao su, như chế tạo lốp xe, sản xuất găng tay, chỉ thun và các sản phẩm cao su kỹ thuật khác v.v…

Thị trường phản ứng tích cực

Sau những động thái nêu trên của các nước sản xuất và XK cao su, thị trường cao su đã có những tín hiệu tích cực khi giá cao su tăng khá mạnh. Giá cao su giao tháng 3/2015 trên sàn Tocom Tokyo tăng 3,1%, mức tăng lớn nhất kể từ 19/5, lên 184,2 yên/kg (1.719 USD/tấn). Giá hợp đồng giao tháng 3/2015 trên sàn Tocom tăng 4,%, mức tăng lớn nhất kể từ 11/3 lên 191 yên/kg (1.796 USD/tấn) và đạt 188,9 yên. Giá cao su giao tháng 11 trên sàn SICOM Singapore hôm 15/10 đạt 148,7 cent/kg so với mức 137,4 cent/kg đầu tháng.

Khả năng các nước Thái Lan, Indonesia và Việt Nam giảm XK đã đẩy giá cao su giao tháng 1/2015 trên sàn Thượng Hải tăng 1,8% lên 12.700 Nhân Dân tệ (2.073 USD/tấn). Thêm vào đó, tồn kho tại Thanh Đảo, trung tâm thương mại cao su chủ yếu của Trung Quốc, giảm từ 154.100 tấn xuống 143.800 tấn, tính đến 14/10, đã hỗ trợ tích cực cho giá bán cao su. Bên cạnh đó, theo Rubber Economist, dư thừa cao su toàn cầu sẽ giảm xuống 43.000 tấn vào năm 2015 từ 292.000 tấn trong năm nay, cũng sẽ có lợi cho các nhà sản xuất.

Theo Tạp chí CSVN

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác