Phó TGĐ VRG Lê Xuân Hòe yêu cầu các đơn vị phải hết sức bình tĩnh trong công tác tiêu thụ. Tình hình hiện tại vẫn nằm trong kịch bản quản lý, điều hành của VRG, vẫn thực hiện tốt chủ trương sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó và vẫn có lợi nhuận từ 3-4 triệu đồng/tấn.

Áp lực tâm lý

Theo ông Hòe, trong lịch sử, từ giai đoạn 1997 đến 2012 đã có thời điểm giá bán xuống dưới giá thành. Hiện tại chúng ta vẫn đang điều hành theo kịch bản giá thấp nhưng vẫn khống chế lợi nhuận từ 3-4 triệu đồng/tấn. Với mức bình quân toàn ngành như vậy thì tình hình vẫn chưa thể gọi là bi đát. Mức giá giảm liên tục từ năm 2011 đến nay đã gây ra áp lực tâm lý cho người làm cao su. Tuy nhiên chúng ta có lợi thế là đã tích lũy được trong thời gian giá cao đỉnh điểm, nên vẫn trong khả năng xoay sở được. “Trong tình hình giá giảm nhưng ta vẫn tiêu thụ được. Trong 4 tuần của tháng 6 vẫn giữ được mức tồn kho ổn định là 49.000 tấn, chỉ có tuần gần đây nhất tăng lên 1.000 tấn. Chúng ta vẫn thực hiện tốt chủ trương sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó, vẫn nằm trong kịch bản quản lý điều hành. Vì vậy phải hết sức bình tĩnh”, ông Hòe nhắc nhở.

VRG: Bình tĩnh, chủ động với các kịch bản điều hành

Tái cơ cấu chủng loại sản phẩm phù hợp với thị trường là việc làm trước mắt và lâu dài. Ảnh: Phan Thắng

Về các giải pháp trong thời gian tới, trước mắt, trong ban hành giá sàn, ông Hòe cho biết giá sàn do Tập đoàn ban hành phản ánh giá thị trường nhưng cũng phản ánh ý đồ trong quản lý điều hành và ảnh hưởng đến thị trường trong nước, cho nên cũng rất cân nhắc. Khi thương lượng với khách hàng có thể linh động chuyển qua sử dụng công thức theo giá Sicom, không nhất thiết phải theo giá MRB. Các đơn vị khó khăn trong tiêu thụ sẽ đề xuất riêng từng trường hợp để VRG có hướng giải quyết, nhằm giảm lượng tồn kho.

Chủ trương thu mua và chế biến cao su tiểu điền vẫn phải thực hiện quyết liệt, vừa giảm khấu hao nhà máy, vừa thể hiện vai trò dẫn dắt, hỗ trợ của Tập đoàn đối với tiểu điền, tuy nhiên cũng phải đảm bảo chặt chẽ tính pháp lý.

Cơ hội để tái cấu trúc chủng loại sản phẩm

Ngoài ra cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm trong thời điểm hiện nay, thị trường tiêu thụ đã khó, hàng hóa không đảm bảo chất lượng sẽ càng khó hơn. Song song đó là tìm cách hạ giá thành chế biến, đảm bảo lợi nhuận. “Đảm bảo giá thành, đảm bảo chất lượng, nâng cao thương hiệu. Đây là việc làm trước mắt hiện nay”, ông Hòe nhấn mạnh.

Về lâu dài cần phải chuyển đổi cơ cấu sản phẩm, đây cũng không phải là việc làm mới. So với năm 2001 cơ cấu sản phẩm là 63% mủ 3L, hiện nay là 42%, chúng ta đã có chuyển biến tốt. Tuy nhiên cần phải tiếp tục giảm còn khoảng 30%. Đã có một số đơn vị miền Đông đã làm được điều này. Giảm mủ 3L để chuyển qua tăng cường sản xuất mủ CV, Ly tâm, RSS…Ngoài ra chuyển đổi cơ cấu sản phẩm phải tùy theo điều kiện từng nơi để phù hợp. Về vấn đề này, Chủ tịch HĐTV Võ Sỹ Lực nhấn mạnh đây là cơ hội chúng ta tái cấu trúc lại chủng loại sản phẩm, sản xuất những gì thị trường cần.

Theo TGĐ Trần Ngọc Thuận, cần nghiên cứu sản xuất mủ 10, 20 theo hướng cải tiến sản xuất, cải tiến công nghệ từ dây chuyền 3L. Ngoại trừ khách hàng truyền thống cần 3L, còn lại phải giảm 3L. Phải nghiên cứu quy trình sản xuất “sạch” với ý nghĩa tiết giảm tối đa chi phí đầu vào như hóa chất, điện…. TGĐ lưu ý hiện nay giá thành chế biến các đơn vị khác nhau trên mỗi tấn sản phẩm, cần phải rà soát lại việc này.

Trong điều kiện hiện nay, VRG cũng sẽ có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các đơn vị tìm được thị trường mới. Ngoài ra các đơn vị lớn cần hỗ trợ trong tiêu thụ cho các đơn vị gặp khó khăn, phát huy tinh thần đoàn kết, tình nghĩa là truyền thống của ngành.

Quốc Khánh

Theo Tạp chí CSVN

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác