Theo số liệu của Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG), trong 10 năm qua, diện tích cao su nước ta tăng gần gấp 2 lần, từ 454 nghìn ha năm 2004 lên 955 nghìn ha năm 2013, vượt khoảng 115 nghìn ha so với định hướng quy hoạch cao su cả nước được Thủ tướng chính phủ phê duyệt.

Theo số liệu của Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG), trong 10 năm qua, diện tích cao su nước ta tăng gần gấp 2 lần, từ 454 nghìn ha năm 2004 lên 955 nghìn ha năm 2013, vượt khoảng 115 nghìn ha so với định hướng quy hoạch cao su cả nước được Thủ tướng chính phủ phê duyệt. Về sản lượng, đến năm 2013, sản lượng cao su cả nước đạt 959 nghìn tấn, tăng 34,4% so với năm 2009 (bình quân 6,9%/năm). Và phần lớn diện tích cao su tăng nhanh là vào những năm từ 2007 đến 2011, đây là thời kỳ hoàng kim của cây cao su. Năm 2011, có lúc giá cao su xuất khẩu đạt trên 100 triệu đồng/tấn. Với giá này, nhiều người dân ở miền Đông Nam bộ nói chung và ở Bình Phước nói riêng đã thoát nghèo và trong số này có nhiều người đã trở thành tỷ phú.

Thế nhưng từ năm 2012 đến tháng 6-2014, giá cao su sụt giảm liên tục do kinh tế thế giới phục hồi chậm, trong khi nguồn cung tăng nhanh làm lượng tồn kho quá cao, gây áp lực giá giảm và nhu cầu nhập khẩu chững lại. Tính riêng 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cao su Việt Nam giảm 11,7% về số lượng và 33% về giá trị so với cùng kỳ. Giá xuất khẩu rớt xuống mức thấp nhất là 1.979 USD/tấn. Còn nếu tính bình quân 5 tháng, giá xuất khẩu đạt 1.842 USD/tấn, giảm 41% so với cùng kỳ năm 2013 và giảm 60% so với giá đỉnh tháng 2-2011.

Và với giá bán quá thấp, khoảng 36-39 triệu đồng/tấn như hiện nay, người trồng cao su gặp nhiều khó khăn. Nhất là đối với những hộ nông dân trồng với quy mô nhỏ, giống không đạt chuẩn, đất xấu và chăm sóc, khai thác không đúng quy trình kỹ thuật… hoặc vườn cây già cỗi. Ở nhiều địa phương và ngay cả ở vùng được mệnh danh là “thủ phủ” của cây cao su như Bình Phước cũng đã có không ít người đang cân nhắc chuyển sang cây trồng khác, thậm chí có người đã quay lưng lại với cây cao su bằng cách đốn bỏ để trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn. Đến nay, trong cả nước đã có 3.800 ha cao su đã bị chặt bỏ, trong đó có 19% diện tích do không có lãi, còn lại là diện tích cao su được chặt thanh lý do mưa bão gãy đổ, già cỗi cần được tái canh lại… Tuy nhiên, đối với những vườn có năng suất và chất lượng cao, phần lớn người trồng vẫn duy trì và ứng phó bằng cách giảm chi phí, giảm phân bón, giảm số ngày cạo hoặc dừng cạo tạm thời.

Tại hội nghị sản xuất cao su năm 2014 do Cục trồng trọt – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 11-7-2014, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: Trong thời gian tới, bộ sẽ kiên trì thực hiện mục tiêu phát triển ngành cao su bền vững, trên cơ sở tái cơ cấu nâng cao hiệu quả và giá trị gia tăng. Bộ trưởng chỉ đạo Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam, Cục chế biến thương mại… theo dõi sát sao, cập nhật diễn biến của thị trường để người dân và doanh nghiệp biết, đồng thời tiếp tục nỗ lực phát triển thị trường. Bộ trưởng cũng đề nghị Cục trồng trọt phối hợp với Tập đoàn công nghiệp cao su, Sở NN&PTNT các tỉnh có văn bản hướng dẫn kỹ thuật khai thác vườn cây cao su phù hợp với thị trường. Sắp tới mùa trồng mới cao su, các đơn vị phải rà soát lại các dự án trồng mới cao su. Những nơi nào tính trong 25 năm nữa với điều kiện giá 1.500 USD/tấn mà vẫn có lãi thì mới trồng mới, còn không thì kiên quyết không được trồng. Về dài hạn sẽ phải xây dựng quy hoạch diện tích trồng cao su một cách hiệu quả hơn.

Theo phân tích của Hiệp hội cao su Việt Nam (VRA), với những vườn cao su có 19-20 năm thu hoạch, tuy giá bán giảm mạnh vẫn có lãi nếu quản lý tốt và điều chỉnh chi phí hợp lý. Nếu năng suất quá thấp hoặc hiệu quả kém, nên bán gỗ tạo vốn tái canh hoặc chuyển sang cây trồng khác. Còn đối với những vườn cao su đang giai đoạn thu hoạch hoặc mới trồng nhưng đạt năng suất bình quân trên 2 – 2,2 tấn/ha (ở vùng Đông Nam bộ) và 1,5-1,8 tấn/ha (miền Bắc, Tây Nguyên) cần tiếp tục duy trì. Vì những vườn cây này vẫn có thể thu được từ 50 – 70 triệu đồng/ha trong năm nay, nhưng cần giảm giá thành để có lãi ít nhất là 5 triệu đồng/tấn hoặc 7,5 – 10 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, còn có nguồn thu từ gỗ cây vào cuối chu kỳ khai thác. Đối với diện tích phát triển ngoài quy hoạch hoặc trên vùng đất không phù hợp, chất lượng kém nên chuyển sang mục đích khác hoặc cây trồng khác đang được khuyến khích và hỗ trợ.

Theo dự báo từ Hiệp hội cao su Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ cao su trên thế giới đang tăng trưởng trở lại theo đà hồi phục của nền kinh tế. Dự báo sẽ từ 11,4 triệu tấn năm 2013 lên 18,4 triệu tấn năm 2020, tăng bình quân 2,5% trong giai đoạn 2014-2020. Tuy nhiên, trước tình hình giá xuống thấp, để người trồng và doanh nghiệp vượt khó, hiệp hội kiến nghị Bộ Tài chính không thu thuế xuất khẩu cao su sơ chế và tạo điều kiện để doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này không phải kê khai tính nộp thuế giá trị gia tăng như những nông sản khác. Về lâu dài, để ứng phó với biến động giá và thị trường tiêu thụ, người trồng cần đa dạng hóa sản phẩm và tăng thu nhập bằng cách trồng xen canh, kết hợp chăn nuôi…

Bên cạnh đó ngành cao su cần nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh bằng cách chuyển đổi cơ cấu sản phẩm cao su thiên nhiên đáp ứng nhu cầu thị trường; xây dựng thương hiệu quốc gia và quốc tế, tăng tiêu thụ nguyên liệu cao su trong nước cho lĩnh vực chế biến sâu những sản phẩm có giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường; giảm lệ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu thô hướng đến phát triển bền vững. Tuy nhiên, về giải pháp lâu dài và bền vững cho cây cao su là Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam cần nâng cao giá trị gia tăng và tăng khả năng cạnh tranh bằng cách chuyển đổi cơ cấu sản phẩm cao su thiên nhiên đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, đẩy mạnh tiêu thụ nguyên liệu cao su trong nước cho lĩnh vực chế biến sâu, giảm lệ thuộc xuất khẩu nguyên liệu thô.

Nguồn: Tin tức Nông nghiệp

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác