5 mặt hàng tiêu biểu được chọn thực hiện là cao su, cà phê, chè, tôm và rau quả.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp chế biến nông, thủy sản thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Theo đó, 5 mặt hàng tiêu biểu được chọn thực hiện trong kế hoạch này là cao su, cà phê, chè, tôm và rau quả.

Theo bản kế hoạch này, công nghiệp chế biến nông, thủy sản đang chiếm khoảng 20% giá trị SX công nghiệp Việt Nam và tỷ trọng này không có thay đổi lớn trong suốt 10 năm qua. Trong khi đó, theo dự báo của tổ chức Euromonitor International, thị trường thực phẩm được đóng gói trên toàn cầu có quy mô 860 tỷ USD vào năm 2010 và dự báo sẽ tăng lên tới gần 1.000 tỷ USD vào năm 2015.

Điều này cho thấy tiềm năng phát triển ngành công nghiệp chế biến nông, thủy sản ở Việt Nam hãy còn khá lớn, nhất là khi hầu hết các sản phẩm chế biến nông, thủy sản hiện nay còn ở dạng sơ chế, tỷ lệ chế biến sâu còn khá thấp.

Đáng chú ý, số lượng doanh nghiệp tham gia chế biến nông, thủy sản là không ít. Đến năm 2012, cả nước có trên 6.000 doanh nghiệp chế biến nông, thủy sản. Đây là lĩnh vực công nghiệp SX có nhiều doanh nghiệp hoạt động nhất.

Không những thế, các sản phẩm nông, thủy sản chế biến của Việt Nam vẫn còn gặp phải những vấn đề về an toàn thực phẩm, khi nhiều trường hợp bị dừng XK do có dư lượng thuốc BVTV hay dư lượng kháng sinh vượt mức cho phép. Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn quốc tế như GMP, HACCP chưa được hiểu biết rộng rãi trong các doanh nghiệp chế biến nông, thủy sản.

Chỉ tính riêng ở thị trường Nhật Bản, trong năm 2011, thống kê của Bộ Y tế, Phúc lợi và Lao động Nhật Bản cho thấy, có tới 166 vụ hàng nông, thủy sản chế biến của Việt Nam vi phạm Luật ATVSTP của nước này, chiếm 13,2% tổng số vụ vi phạm. Qua đó, trong năm 2011, hàng nông, thủy sản chế biến của Việt Nam đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Mỹ về số vụ vi phạm ATVSTP ở Nhật Bản.

Tuy còn những hạn chế lớn như trên, nhưng trong bản Kế hoạch, Chính phủ đã định hướng đến năm 2020, đưa Việt Nam trở thành quốc gia cung cấp tin cậy về các sản phẩm nông, thủy sản và thực phẩm an toàn với chất lượng cao.

Mục tiêu cụ thể là xác lập lòng tin trên thị trường thế giới về Việt Nam là một quốc gia SX các sản phẩm nông, thủy sản và thực phẩm an toàn chất lượng cao phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Xác lập 3 – 5 mặt hàng nông, thủy sản và thực phẩm chế biến có thể tạo nên hình ảnh thương hiệu của Việt Nam.

Với định hướng và mục tiêu như trên, Chính phủ đã xác định 4 vấn đề chiến lược: Bảo đảm nguồn nguyên liệu ổn định về số lượng và chất lượng; nâng cao hàm lượng chế biến; hiện đại hóa lưu thông; cải thiện các hoạt động marketing và xây dựng thương hiệu.

Đặc biệt, trong vấn đề nâng cao hàm lượng chế biến nông, thủy sản, các Bộ ngành và chính quyền các địa phương phải thúc đẩy liên doanh trong lĩnh vực chế biến giữa doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp Việt Nam.

Đồng thời áp dụng chu trình SX khép kín với hệ thống quản lý tiên tiến đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường Nhật Bản hoặc quốc tế, thúc đẩy chuyển giao công nghệ của Nhật Bản trong lĩnh vực chế biến, đóng gói, bảo quản nông, thủy sản.

Bên cạnh đó là hàng loạt các kế hoạch hành động khác như nâng cao năng lực một số cơ sở nghiên cứu và phát triển liên quan đến chế biến nông, thủy sản; Nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp nhỏ trong lưu thông, phân phối; thúc đẩy hình thành hệ thống hạ tầng lưu thông, phân phối (sàn đấu giá nông sản, hệ thống sơ chế sản phẩm tại các chợ đầu mối, kênh phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng);

Hỗ trợ các hoạt động Marketing và xây dựng thương hiệu; Xây dựng và triển khai thí điểm khu chế biến nông nghiệp công nghệ cao; Thúc đẩy ký kết hiệp định công nhận lẫn nhau về kết quả kiểm định chất lượng nông, thủy sản giữa Việt Nam và các nước nhập khẩu…

Theo Nông nghiệp VN

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác