I. Thế giới:

Trong giai đoạn 2000 – 2012, trong số các nước sản xuất cao su hàng đầu thế giới là Thái Lan, Inđônêxia, Việt Nam, Malaysia và Ấn Độ, chỉ có Malaysia giảm diện tích trồng cao su, các nước còn lại đều tăng với tốc độ bình quân 4,7%/năm. Trong đó, diện tích trồng cao su của Việt Nam tăng tới 7%, cao nhất thế giới. Điều đó dẫn đến tình trạng cung cao su vượt cầu từ năm 2011 và kéo dài suốt 3 năm nay. Theo Tổ chức Nghiên cứu cao su quốc tế (IRSG), trong 3 quý đầu năm 2013, cung cao su đã dư thừa so với cầu tới 149.000 tấn. Theo tính toán của Công ty tư vấn hàng hóa RCMA Commodities Asia Pte, sản lượng dư thừa đến năm 2014 sẽ tăng gấp đôi con số này. Trong khi đó, lượng tiêu thụ trên thế giới lại tăng không đáng kể trong năm 2011 và 2012, do khó khăn của kinh tế toàn cầu. Trung Quốc là nước tiêu thụ cao su thiên nhiên lớn nhất thế giới, đang có lượng dự trữ cao nhất kể từ năm 2004. Nhập khẩu cao su của nước này cũng đã giảm mạnh trong những năm gần đây do sản xuất bị thu hẹp và nguồn cung nội địa đã tăng lên đáng kể.

Báo cáo mặt hàng cao su tháng 4/2014Mới đây, Công ty Rubber Economist của Anh dự đoán thế giới sẽ thừa tới 652.000 tấn cao su trong năm 2014, thay vì 366.000 tấn dự báo trước đó. Năm 2013, ước tính ban đầu thặng dư 336.000 tấn cao su nhưng sau đó thực tế cũng đã dư tới 714.000 tấn. Như vậy, thặng dư trên thị trường cao su tự nhiên toàn cầu có thể sẽ cao hơn 78% so với những gì đã dự báo hồi tháng 12 năm ngoái do nhu cầu yếu trong khi sản lượng tại Thái Lan lại tăng vọt dự đoán.

Giá cao su tại Sở Giao dịch hàng hóa kỳ hạn Tokyo, Nhật Bản (Tocom), nơi lấy giá tham chiếu cho giá cao su thế giới, đã giảm 21% kể từ đầu năm 2014 đến nay do lo ngại cung tiếp tục vượt cầu trong bối cảnh nhu cầu mua vào của Trung Quốc sẽ yếu đi. Sau khi hồi phục nhẹ trong tháng 3, giá cao su kỳ hạn tại Tocom tiếp tục đi xuống. Nếu tính từ đầu tháng 4 đến ngày 18/4, giá cao su giao kỳ hạn gần nhất (4/2014) đã giảm gần 25%, từ 250,5 Yên/kg xuống còn 208 Yên/kg cuối phiên giao dịch 18/4. Trong tuần từ 7 – 11/4, giá cao su kỳ hạn tháng 4/2014 và tháng 5/2014 đã giảm trên 26 Yên/kg so với một tuần trước, kỳ hạn tháng 6, 7, 8, 9/2014 giảm từ 7,5 – 10 Yên/kg. Không dừng lại ở đó, trong tuần lễ tiếp theo, giá cao su kỳ hạn tháng 4/2014 và tháng 5/2014 đã giảm 15 Yên/kg. Chốt phiên giao dịch 18/4, hợp đồng cao su tháng 9/2014 đã thiết lập mức thấp nhất kể từ tháng 10/2009, cuối ngày đạt 206,4 Yên/kg.

Nhìn chung, thị trường cao su thế giới vẫn chìm trong ảm đạm, giá cao su thế giới tiếp tục giảm do các nguyên nhân sau:

– Lo ngại tăng trưởng kinh tế yếu tại Trung Quốc, Mỹ và mới nhất là thông tin Thái Lan có kế hoạch bán ra 200.000 tấn cao su dự trữ nhằm bù đắp thiếu hụt sản lượng do nông dân ngừng khai thác mủ trong mùa khô.

– Thị trường cao su toàn cầu được dự đoán sẽ dư thừa 652.000 tấn trong năm 2014. Cung dư thừa khiến giá cao su giảm mạnh trong năm 2013 và kéo dài sang cả năm 2014.

– Giá dầu tăng lên mức cao nhất trong vòng 5 tuần. Điều này làm sản phẩm cao su thiên nhiên trở nên đắt giá so với cao su tổng hợp – một sản phẩm của hóa dầu.

II. Việt Nam:

Báo cáo mặt hàng cao su tháng 4/2014Nguồn cung mủ cao su vẫn bị gián đoạn do cây cao su thay lá. Giá cao su thành phẩm trên thị trường trong nước giảm trong hai tuần đầu tháng 4, sau đó hồi phục trở lại vào thời điểm hiện tại. Theo Agromonitor, giá cao su SVR 3L tại Bình Dương đầu tháng đứng ở mức 39.200 đồng/kg, đến ngày 11/4 giá giảm xuống chỉ còn 35.700 đồng/kg, tuy nhiên đến ngày 16/4 đã tăng mạnh lên 40.300 đồng/kg, đến thời điểm hiện tại giá có giảm nhẹ, xuống còn 37.400 đồng/kg vào ngày 21/4. Cao su SVR 20 trong 20 ngày đầu tháng 4 giảm từ 35.900 đồng/kg xuống còn 35.400 đồng/kg, với giá thấp trong chuỗi là 32.800 đồng/kg vào ngày 11/4. Tương tự, cao su SVR 10 giảm từ 36.100 đồng/kg xuống còn 35.500 đồng/kg, với giá thấp là 32.900 đồng/kg vào ngày 11/4.

Trên thị trường xuất khẩu, giá cao su SVR 3L đứng ở mức 2.095 USD/tấn, ổn định và không thay đổi so với tuần trước. Giá cao su SVR 3L xuất khẩu trung bình 3 tuần tháng 4 đạt 2.095 USD/tấn, tăng nhẹ 2,9 USD so với trung bình tháng 3, nhưng thấp hơn tới 639,6 USD/tấn so với tháng 4/2013.

Tình hình xuất nhập khẩu mặt hàng cao su thiên nhiên tại cửa khẩu Móng Cái diễn ra đều đặn, giá cả ổn định. Trong hai tuần qua, sản lượng cao su sơ chế đưa vào giao dịch ở mức 400 tấn/ngày. Giá cả của mặt hàng này vẫn giữ ở mức 13.200 NDT/tấn đối với sản phẩm cao su SVR 3L loại I, còn loại II có giá 13.000 NDT/tấn. Số lượng các doanh nghiệp và tư thương Trung Quốc tham gia giao dịch giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện các văn phòng giao dịch ở Móng Cái và Đông Hưng đều vắng vẻ, một phần do đang trong giai đoạn giáp vụ khai thác mủ, sản phẩm cao su khan hiếm, đây có thể là báo hiệu một giai đoạn chuyển đổi mới về thị trường xuất nhập khẩu cao su thiên nhiên ở các cửa khẩu biên giới phía Bắc, có thể là đưa mặt hàng này vào giao dịch hoàn toàn chính ngạch.

Thị trường cao su trong nước năm nay còn nhiều khó khăn do tiêu thụ cao su thiên nhiên thế giới chưa có dấu hiệu tăng trưởng đột biến, trong khi nguồn cung lại tăng mạnh nên giá cao su dự báo sẽ còn giảm trong thời gian tới.

Nguyễn Lan Anh

Tài liệu tham khảo:

  1. Báo cáo Thống kê của Trung tâm Tin học và Thống kê (CIS), Bộ Nông nghiệp & PTNT
  2. CSDL giá nông sản PMARD của CIS
  3. Tin Reuters
  4. Website: VRA, TTXVN, Vinanet, Vneconomy, Agromonitor

Nguồn: Trung tâm XTTM Bộ NN&PTNT

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác