Trong phiên họp ngày 11/3/2015, sau khi xem xét Đề án “Quy hoạch phát triển cao su trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất các quan điểm, mục tiêu và định hướng phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 theo tờ trình của UBND tỉnh.

Đồng thời Ban Thường vụ Tỉnh ủy lưu ý thêm một số điểm: Cao su được xác định là cây trồng chủ lực của tỉnh, do vậy cần có chính sách cụ thể, phù hợp để khai thác có hiệu quả quỹ đất có khả năng phát triển cây cao su. Phát triển cây cao su phải phù hợp với định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh và ngành cao su cả nước; theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô lớn gắn với tổ chức lại chế biến mủ cao su; chú trọng phát triển bền vững, năng suất, chất lượng và hiệu quả cao cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Phát triển cao su theo hướng đa dạng về quy mô, gắn kết chặt chẽ giữa cao su đại điền với cao su tiểu điền; chú ý hình thức liên doanh, liên kết và các hình thức phù hợp khác.

Quy hoạch diện tích cây cao su trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 là 45.850 ha. Trong đó, huyện Tánh Linh 23.961 ha, Đức Linh 13.732 ha, Hàm Tân 3.712 ha, Hàm Thuận Bắc 2.492 ha, Hàm Thuận Nam 1.082 ha, La Gi 871 ha. Quy hoạch quỹ đất dự phòng phát triển cây cao su 9.887 ha đất rừng tự nhiên sản xuất nghèo kiệt thích hợp trồng cao su.

Về giải pháp thực hiện quy hoạch cần chú ý: Trên cơ sở quy hoạch phát triển cây cao su đã được phê duyệt, xác định rõ vị trí, diện tích trồng cao su trên từng địa bàn cụ thể, công bố công khai quy hoạch để có cơ sở làm tốt công tác quản lý và triển khai thực hiện đúng quy hoạch. Đặc biệt quan tâm 3 vấn đề: Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong các khâu sản xuất, phát triển cây cao su; khuyến khích đầu tư đẩy mạnh chế biến mủ cao su với quy mô lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; tích cực đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, chú ý tìm kiếm thị trường mới.

Trên cơ sở quy hoạch, trước mắt ưu tiên tập trung đầu tư thâm canh, tăng năng suất chất lượng diện tích cao su hiện có. Diện tích quy hoạch phát triển mới cần có lộ trình triển khai cụ thể, phù hợp, chặt chẽ trên cơ sở bám sát nhu cầu thị trường và định hướng của ngành cao su cả nước. Coi trọng các hình thức liên doanh, liên kết; đẩy mạnh và không ngừng nâng cao hiệu quả mô hình liên kết 4 nhà: nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp. Có kế hoạch chỉ đạo phát triển cây cao su ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời có giải pháp cụ thể triển khai các loại cây trồng thay thế cao su trên diện tích đưa ra khỏi quy hoạch. Đối với rừng nghèo kiệt được đưa vào quỹ đất dự phòng phát triển cao su phải có kế hoạch triển khai cụ thể, chặt chẽ, không để xảy ra lợi dụng để phá rừng.

– Theo Báo Bình Thuận

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác