Hai năm trở lại đây, giá mủ cao su rớt thê thảm khiến doanh nghiệp chao đảo và tiểu điền cũng vật vờ theo. Nhiều hộ ở Tây nguyên phải tính đến phương án chuyển đổi cây trồng để cầm cự. Bài học làm ăn theo thời vụ tưởng đã quen nhưng vẫn làm không ít người khóc dở mếu dở.

LUẨN QUẨN TRỒNG -PHÁ

Giá lên đua nhau trồng, giá rớt rủ nhau chặt, nhiều hộ trồng cao su đang vướng phải vòng luẩn quẩn ấy. Gia đình anh Phạm Xuân Vũ, định cư trong khu rừng cao su của Nông trường Đoàn Kết, Công ty TNHH MTV cao su Mang Yang, Gia Lai là một trường hợp.

Cần chính sách hỗ trợ người trồng cao suĐây là vùng đất phì nhiêu nên không chỉ cao su mà các loại cây trồng khác đều phát triển tốt, cho năng suất cao. Gia đình anh Vũ có 5,3ha đất canh tác và 2/3 để trồng cao su. Anh là hộ được hưởng lợi từ chương trình đa dạng hóa nông nghiệp. Thời điểm đó, Nhà nước hỗ trợ cây giống, phân bón, vật tư trang bị cho vườn cây và được vay vốn ưu đãi của ngân hàng. Ấy vậy mà công sức 8 năm trời bỗng chốc tan biến chỉ vì quyết định chuyển đổi cây trồng. Anh cho biết: “Cao su bây giờ không ăn thua gì so với tiêu hay cà phê, bởi giá thế này, giỏi thì hòa còn không là lỗ, nên chúng tôi quyết định phá bớt hơn 1ha chuyển sang trồng tiêu; số còn lại tạm thời ngưng không khai thác nữa, chờ đến khi giá tăng lên lại tiếp tục”.

Hộ khác có diện tích trồng cao su nhất nhì phố núi là Lê Thị Loan (xã Ia Kênh, TP.Pleiku) hiện cũng lao đao. Gia đình chị Loan có 30ha cao su, mới bắt đầu khai thác năm ngoái, nhưng đến nay đã gặp không ít khó khăn. Chị chia sẻ: “Cao su vừa đến tuổi là tôi khai thác liền, năng suất rất cao. Tuy nhiên do giá mủ hiện thấp quá nên tôi đành ngưng”. Với mức giảm khoảng 30% so với năm 2013, hiện giá mủ cao su chỉ còn trên dưới 10.000 đồng/kg, trong khi nhân công, phân bón… lại tăng nên nhiều hộ muốn phá vườn, nhưng chặt xong họ lại không biết trồng gì.

Trao đổi với chúng tôi, chị Trịnh Thị Vân – Phó giám đốc Xí nghiệp cơ điện chế biến, Công ty TNHH MTV cao su Chư Păh – cho biết: “Thực trạng hiện nay, nhiều hộ trồng cao su bị ép giá, chỉ còn biết đặt niềm tin vào các doanh nghiệp lớn. Hiện mỗi ngày xí nghiệp thu mua được khoảng 2 tấn quy khô, giảm nhiều so với mọi năm. Hầu hết các hộ vẫn duy trì tình trạng cạo nhưng chỉ cầm chừng. Nhiều hộ tạm ngưng để dưỡng cây, chờ giá lên”.

Khó khăn hơn nữa là đối với các hộ vay ngân hàng để đầu tư cao su như anh Phạm Xuân Vũ. “Mỗi héc-ta cao su làm cả năm thu được chưa tới 20 triệu, tôi phải trả cả gốc và lãi 12 triệu rồi, trừ chi phí thì chỉ đủ tiền đong gạo đắp đổi qua ngày”, anh Vũ cho biết.

MONG ĐƯỢC HỖ TRỢ

Theo Hiệp hội cao su Việt Nam (VRA), 5 tháng đầu năm 2014 Việt Nam xuất khẩu 239.000 tấn, trị giá 473 triệu USD, giảm 20,2% về lượng và 39,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cao su trung bình giảm 25% so với cùng kỳ năm trước, còn 1.990 USD/tấn. Tính đến 13-6, Tập đoàn cao su Việt Nam xuất khẩu 42.043 tấn và bán 39.767 tấn ở thị trường trong nước.

Do tác động từ thị trường thế giới, các chuyên gia dự báo khả năng giá cao su tiếp tục giảm, khiến nhiều DN sản xuất cao su gặp khó khăn vì giá bán dưới giá thành.

Trước thực trạng trên, những người trồng cao su cần có định hướng cụ thể để bám nghề. Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật Tây nguyên cho biết: “Ở các nước như Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ… đều có những tổ chức chuyên giúp đỡ nông dân trồng cao su. Họ cử chuyên gia đến tư vấn về kỹ thuật và tình hình thị trường để giúp định hướng, hoặc trợ giá để người nông dân tiếp tục bám vườn, duy trì việc khai thác… còn ở ta người trồng cao su không được hỗ trợ nên làm theo hình thức tự phát, dẫn đến có thể phá vỡ quy hoạch”.

Không được tư vấn, hỗ trợ, người dân rơi vào tình trạng “sống chết mặc bay” và thế là vòng luẩn quẩn: trồng phá, phá trồng cứ lặp đi lặp lại năm này qua năm khác!

                 Bài, ảnh: Cường Phong

 

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác