Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), đến nay sản lượng cao su trên thế giới đang trong tình trạng cung vượt cầu khiến cho giá cao su liên tục giảm, hiện ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Ở một số tỉnh, người dân đã chặt cao su đang kỳ chuẩn bị thu hoạch để trồng cây khác vì không hiệu quả.

Bộ Nông nghiệp – phát triển nông thôn vừa có cuộc họp với Cục Trồng trọt, Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (VRG), VRA và lãnh đạo sở nông nghiệp – phát triển nông thôn các tỉnh, thành có trồng và sản xuất cao su để đưa ra phương án đối phó với tình hình cao su trong bối cảnh thừa cung như hiện tại.

* Giá thấp đến bao giờ?

Theo VRA, báo cáo của Tổ chức nghiên cứu cao su quốc tế (IRSG) đưa ra nhận định là trong năm 2014, sản lượng cao su thiên nhiên trên thế giới sẽ thừa hơn 700 ngàn tấn. Đây là lượng tồn kho lớn nhất trong vòng 10 năm qua. Chính vì vậy, giá cao su thế giới liên tục sụt giảm và làm ảnh hưởng mạnh đến việc sản xuất, xuất khẩu cao su của Việt Nam. Giá cao su hiện còn khoảng 1.840 USD/tấn, giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm 2013 và giảm khoảng 60% so với thời kỳ đỉnh điểm (tháng 2 năm 2011).

Cao su đứng trước khủng hoảng thừa
Khai thác mủ tại Nông trường cao su Bình Sơn, huyện Long Thành.

Điều đáng lo ngại là trong khi sản lượng cao su thế giới đang thừa thì diện tích và sản lượng cao su trong nước lại liên tục tăng. Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, tính đến giữa năm 2014, tổng diện tích cao su cả nước hơn 950 ngàn hécta, vượt hơn 150 ngàn hécta so với quy hoạch. Diện tích cao su tăng mạnh rơi vào dạng cao su tiểu điền ở các tỉnh Đông Nam bộ. Năm nay có thêm hàng chục ngàn hécta cao su bước vào thời kỳ khai thác.

 Nhận định của VRA là năm 2015 giá cao su vẫn còn ở mức thấp và phải đến năm 2016, giá cao su sẽ tăng dần do một số nước giảm khai thác vì giá thấp. Trong khi đó, ngành công nghiệp sử dụng nguồn nguyên liệu cao su đang tăng và giảm bớt sản lượng thừa.

* Kịch bản nào cho giá cao su?

Ông Trần Ngọc Thuận, Tổng giám đốc VRG, cho biết trước tình trạng giá cao su đang xuống thấp như hiện nay, VRG đã đưa ra 3 kịch bản để có cách ứng phó cho năm tới. Kịch bản thứ nhất, nếu giá cao su đạt 2.500 USD/tấn thì mỗi tấn cao su lúc đó có lãi ròng khoảng 10 triệu đồng; kịch bản thứ hai, giá cao su là 2 ngàn USD/tấn vẫn có lãi khoảng 5 triệu đồng/ tấn và kịch bản thứ ba, mức giá 1.500 USD/tấn, lúc đó sản xuất hòa vốn. “Hiện nay, chúng tôi đang điều hành sản xuất theo kịch bản thứ 2. Với giá hiện nay, sản xuất cao su chưa lỗ, những trường hợp bị lỗ thuộc vào diện tích cao su tiểu điền được sang nhượng với giá quá cao nên đến nay so với lãi suất ngân hàng là lỗ, hoặc những vườn cao su trồng không đúng loại đất, sai kỹ thuật năng suất mủ không cao thì lỗ. Kể cả lúc cao su có giá rất cao, tôi vẫn nói cây cao su không phải là cây số một về kinh tế, chỉ là cây ổn định lâu dài mà thôi” – ông Thuận nói.

Tổng diện tích cao su của Đồng Nai hiện có trên 44.500 hécta, trong đó diện tích khai thác gần 27.800 hécta, sản lượng hơn 41.500 tấn. Diện tích cao su của Tổng công ty cao su Đồng Nai và các doanh nghiệp trên 35.700 hécta, chiếm hơn 80% diện tích; cao su tiểu điền hơn 8.700 hécta, chiếm gần 20% diện tích. Mặc dù giá cao su thấp nhưng chưa có hiện tượng phá bỏ cao su hàng loạt để trồng cây khác. Tuy nhiên, Sở Nông nghiệp – phát triển nông thôn khuyến cáo nông dân không nên tiếp tục ào ạt chạy theo cao su tiểu điền như trước, bởi có quá nhiều hạn chế về kỹ thuật trồng, khai thác, chuyên chở, thu mua, chất lượng mủ… khiến cao su tiểu điền đang ở hiện trạng rất bấp bênh.

Cùng quan điểm với ông Thuận, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Trang trại TP.Hồ Chí Minh Đỗ Đức Oánh, người có 36 hécta cao su đang khai thác cho hay, mỗi hécta cao su hiện nay, ông vẫn có lãi 70 triệu đồng/năm. Ông Oánh đã chỉ ra khá cụ thể những trường hợp vườn cao su bị lỗ mà ông từng gặp, như: bị khai thác sớm, thay vì 7 năm thì mới 4 – 6 năm, chủ vườn thấy cây to và giá mủ cao vội cho khai thác khiến cây bị kiệt sức, sau đó ra mủ ít dần. Có những trường hợp đất không phù hợp, nhưng người dân vẫn cứ trồng, khi thu hoạch năng suất mủ cũng kém. Một nguyên nhân nữa là vườn cao su mua phải giống không đạt, cây cũng cho mủ kém. Ông Oánh chia sẻ: “Kỹ thuật trồng, chăm sóc và khai thác cao su không phải ai cũng biết. Ví dụ trong tháng 5 vừa qua trời rất nóng, những vườn cao su nào cạo mủ vào thời điểm đó chắc chắn thu hoạch không đủ chi phí. Thế nhưng sang tháng 6, mưa xuống thời tiết mát, lúc đó mới cạo thì cây cho mủ rất nhiều”.

 Khuyến cáo của VRG, trong thời điểm giá cao su xuống thấp như hiện nay, các chủ vườn cao su nên chuyển phương án khai thác từ 2 ngày cạo mủ một lần sang 3 hoặc 4 ngày cạo mủ một lần. Như vậy, giảm được tiền thuê nhân công cạo mủ và giảm lượng phân bón xuống, cây cũng không bị suy kiệt. Không nên quá vội vã chặt bỏ khi thấy giá thấp như hiện nay.

Vân Nam

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác