Trong tuần từ ngày 06/7 đến 10/7/2015, giá cao su thiên nhiên tại các sàn giao dịch trên thế giới đều giảm liên tục trong ba phiên đầu tuần, sau đó tăng nhẹ trở lại. Kết thúc tuần, ngày 10/7, giá cao su RSS 3 trên sàn TOCOM Nhật Bản của hợp đồng giao tháng 12/2015 là 1.730 USD/tấn, giảm 2,8% so với cuối tuần trước; giá cao su TSR 20 kỳ hạn tháng 8/2015 trên sàn SICOM Singapore là 1.449USD/tấn (-4,9%); giá SMR 20 của Malaysia xuất khẩu do Tổng cục Cao su Malaysia (MRB) chào bán ở mức 1.451USD/tấn (-2,7%); giá SVR 3L xuất khẩu chào bán của Việt Nam ở mức 1.640 USD/tấn (-5,7%).

Tin tức liên quan đến thị trường cao su trong tuần

– Chỉ số chứng khoán Trung Quốc xuống thấp nhất 3 tháng khi các biện pháp hỗ trợ bổ sung của Chính phủ nước này không thể xoa dịu tình trạng hoảng loạn. Chốt phiên ngày 08/7/2015, chỉ số Shanghai Composite giảm 5,9% xuống 3.507,19 điểm. Với ít nhất 1.331 công ty tạm ngừng giao dịch cổ phiếu trên các sàn chứng khoán của Trung Quốc và 747 cổ phiếu giảm 10%, người bán đã khóa chặt đến 72% vốn hóa thị trường chứng khoán Trung Quốc. Giới đầu tư lại đổ xô sang trái phiếu chính phủ và cổ phiếu Hong Kong để thu tiền mặt, kéo trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Trung Quốc giảm mạnh nhất trong một tháng và chỉ số Hang Seng giảm 5,8%.

– Giá dầu Mỹ phiên ngày 08/7/2015 đã giảm phiên thứ 5 liên tiếp sau khi số liệu cho thấy lượng dầu lưu kho trong tuần trước bất ngờ tăng lên. Chốt phiên, giá dầu WTI ngọt nhẹ giao tháng 8/2015 trên sàn Nymex New York giảm 68 cent, tương đương 1,3% xuống 51,65 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent chuẩn toàn cầu giao tháng 8/2015 trên sàn ICE Futures Europe London lại tăng 20 cent, tương đương 0,4% lên 57,05 USD/thùng.

– Đồng Yên lên cao nhất 7 tuần so với đồng USD do giới đầu tư mua vào để làm tài sản trú ẩn khi chứng khoán Trung Quốc lao dốc và khủng hoảng tại Hy Lạp. Chốt phiên ngày 08/7/2015, USD giảm 1,5% so với Yên xuống 120,68 Yên/USD.

– Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới công bố ngày 09/7/2015, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2015 xuống 3,3%, thấp hơn so với 3,5% dự báo hồi tháng 4/2015 và thấp hơn so với 3,4% trong năm 2014. Tuy giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Trung Quốc và Eurozone tương ứng ở 6,8% và 1,5% như dự báo hồi tháng 4, song IMF lại cho rằng đây là 2 mối đe dọa tiềm tàng đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhất là khi chứng khoán Trung Quốc lao dốc trong những tuần qua và Hy Lạp đang phải vật lộn để đạt được thỏa thuận với các chủ nợ nhằm ở lại khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Diễn biến giá cao su trên thị trường quốc tế trong tuần 06/7 – 10/7/2015

Trong tuần qua, giá cao su RSS 3 giao tháng 12/2015 trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Tokyo (TOCOM) giảm mạnh trong ba phiên giao dịch đầu tuần khi nhiều nhà đầu tư ngừng mua vào do ảnh hưởng bởi sự lao dốc của thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng như lo ngại cuộc khủng hoảng tài chính tại Hy Lạp sẽ tác động đến nền kinh tế toàn cầu; bên cạnh đó, tính đến ngày 08/7, giá dầu thô thế giới đã giảm 5 phiên liên tiếp xuống dưới mức 60 USD/thùng góp phần gây sức ép đối với giá cao su thiên nhiên. Trong hai phiên tiếp theo, giá cao su đã tăng nhẹ trở lại nhờ sự phục hồi của thị trường chứng khoán Trung Quốc sau khi Chính phủ nước này tăng cường các biện pháp giải cứu. Kết thúc tuần (10/7), giá cao su RSS 3 giao tháng 12/2015 (TOCOM), đạt 1.730 USD/tấn, giảm 26 USD/tấn (-1,5%) so với ngày đầu tuần (06/7) và giảm 51 USD/tấn (-2,8%) so với ngày cuối tuần trước (03/7).

Trong tháng 7/2015, từ ngày 01 – 10/7, giá cao su RSS 3 (TOCOM) trung bình đạt 1.748 USD/tấn đối với loại hợp đồng giao sau 5 tháng, giảm 128 USD/tấn (-6,8%) so với mức giá trung bình tháng 6/2015 và giảm 268 USD/tấn (-13,3%) so với tháng 7/2014.

Giá cao su TSR 20 kỳ hạn trên sàn SICOM Singapore tuần qua biến động như tại sàn TOCOM. Vào cuối tuần, ngày 10/7, giá cao su TSR 20 hợp đồng giao tháng 8/2015 đạt 1.449 USD/tấn, giảm 43 USD/tấn (-2,9%) so với ngày đầu tuần và giảm 74 USD/tấn (-4,9%) so với ngày cuối tuần trước (03/7).

Trong tháng 7/2015, từ ngày 01 – 20/7, giá TSR 20 trung bình hợp đồng giao sau 1 tháng đạt 1.482 USD/tấn, giảm 109 USD/tấn (-6,8%) so với trung bình tháng 6/2015, và giảm 212 USD/tấn (-12,5%) so với tháng 7/2014.

Tại Sở Giao dịch Cao su Malaysia (MRE), giá cao su SMR 20 xuất khẩu do MRB chào bán cũng biến động theo xu hướng như tại hai sàn TOCOM và SICOM. Kết thúc tuần, ngày 10/7, giá SMR 20 đạt 1.451 USD/tấn, giảm 34 USD/tấn (-2,3%) so với ngày đầu tuần và giảm 41 USD/tấn (-2,7%) so với ngày cuối tuần trước.

Trong tháng 7/2015, từ ngày 01 – 10/7, giá SMR 20 trung bình do MRB chào bán đạt 1.466 USD/tấn, giảm 111 USD/tấn (-7,0%) so với trung bình tháng 6/2015 và giảm 235 USD/tấn (-13,8%) so với tháng 7/2014.

Giá cao su Việt Nam xuất khẩu chào bán trong tuần 06/7 – 10/7/2015

Trong tuần từ 06/7 – 10/7/2015, giá cao su Việt Nam xuất khẩu chào bán được điều chỉnh giảm xuống trong hai ngày 07 và 09/7. Kết thúc tuần, giá SVR 3L xuất khẩu chào bán đạt 1.640 USD/tấn, giảm 100 USD/tấn (-5,7%) so với ngày đầu tuần và ngày cuối tuần trước đó (03/7).

Trong tháng 7/2015, từ ngày 01 – 10/7, giá SVR 3L của Việt Nam xuất khẩu chào bán đạt trung bình 1.703 USD/tấn, giảm 80 USD/tấn (-4,5%) so với mức trung bình trong tháng 6/2015, nhưng giảm 197 USD/tấn (-10,4%) so với tháng 7/2014.

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác