Lợi nhuận các doanh nghiệp cao su niêm yết đã bị ảnh hưởng đáng kể từ biến động của giá cao su thế giới. Tuy nhiên, giai đoạn khó khăn nhất đã đi qua khi giá cao su thiên nhiên đã chạm đáy và trong giai đoạn hồi phục.

Lợi nhuận sụt giảm

Trong hơn 3 năm trở lại đây, giá cao su lao dốc mạnh do chênh lệch cung cầu. Cụ thể, trong khi nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh do khủng hoảng kinh tế toàn cầu và đà tăng trưởng ở Trung Quốc chậm lại, thì nguồn cung lại có chiều hướng gia tăng do các nước đẩy mạnh phát triển ngành nông nghiệp trồng cây cao su từ 8-10 năm trước và nay đang bước vào thời điểm thu hoạch.

Lợi nhuận các doanh nghiệp cao su đang niêm yết đã bị ảnh hưởng đáng kể từ biến động của giá cao su thế giới. Đặc biệt, giá cao su tiếp tục sụt giảm trong năm 2014 đã làm đảo lộn kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp cao su và buộc một số doanh nghiệp phải điều chỉnh kế hoạch, mặc dù ngay từ đầu năm các mục tiêu đã được đề ra khá thận trọng.

Theo thống kê, tính đến hết quý III-2014, các doanh nghiệp cao su niêm yết vẫn trong xu hướng đi xuống. Chẳng hạn, CTCP Cao su Đồng Phú (DPR) công bố kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2014 với sản lượng khai thác đạt 66,6% kế hoạch, lợi nhuận trước thuế đạt 181,5 tỷ đồng (đạt 73% kế hoạch).

Theo DPR, giá bán đang ở mức rất thấp (dưới giá thành tiêu thụ) dẫn đến giá bán bình quân cả năm dự kiến chỉ đạt khoảng 38 triệu đồng/tấn và dự kiến lợi nhuận trước thuế cả năm chỉ đạt khoảng 190 tỷ đồng so với kế hoạch đầu năm 249 tỷ đồng. Do đó, HĐQT của DPR đã đề nghị điều chỉnh giảm chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế xuống còn 190 tỷ đồng nhưng cổ tức vẫn giữ ở mức 30%.

CTCP Cao su Thống Nhất (TNC) công bố mức lãi ròng vỏn vẹn 735 triệu đồng trong quý III-2014 (giảm 88%). Theo giải trình của TNC, nguyên nhân lợi nhuận sụt giảm do giá bán cao su thấp hơn giá thành sản xuất nên trong kỳ hoạt động từ lĩnh vực cao su của công ty bị lỗ. Lũy kế 9 tháng năm 2014, TNC lãi ròng gần 12 tỷ đồng (giảm 62%). Đầu tháng 7-2014, TNC đã điều chỉnh chỉ tiêu doanh thu từ 119 tỷ đồng giảm còn 93,3 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế cũng giảm từ 27 tỷ đồng về mức 15 tỷ đồng, cổ tức giảm từ 8% về mức 5%.

CTCP Cao su Phước Hòa (PHR), doanh nghiệp đứng đầu về quy mô trồng và xuất khẩu cao su cũng công bố kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2014 với những con số không mấy khả quan. Theo đó, tổng doanh thu đạt 1.082 tỷ đồng (đạt 71% kế hoạch) và lợi nhuận sau thuế đạt 143,5 tỷ đồng (đạt 68% kế hoạch). Trước tình hình này, PHR cũng sẽ tiến hành lấy ý kiến cổ đông về việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2014.

Theo đó, doanh thu sẽ giảm từ 1.516 tỷ đồng còn 1.356 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế giảm từ 267 tỷ đồng xuống còn 207 tỷ đồng, cổ tức 20% thực hiện bằng tiền mặt. Tương tự, kết quả kinh doanh 9 tháng của CTCP Cao su Tây Ninh (TRC) và CTCP Cao su Hòa Bình (HRC) cũng ghi nhận sự tụt giảm. Cụ thể, TRC có doanh thu và lãi ròng giảm lần lượt 21% và 35%, còn HRC giảm lần lượt 62% và 24%

Chạm đáy khó khăn

Tuy nhiên, theo dự báo của giới phân tích, chênh lệch cung cầu này đang có xu hướng đảo chiều, tức nhu cầu sẽ gia tăng khi nền kinh tế thế giới mặc dù chậm nhưng vẫn đang cho dấu hiệu hồi phục. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc không quá u ám như dự báo và nhu cầu tiêu thụ ở Ấn Độ sẽ tăng mạnh.

Dự báo của RNR Research, tiêu thụ săm lốp sẽ tăng trưởng 4,3%/năm trong giai đoạn 2014-2017 và đạt 2,9 tỷ đơn vị vào 2017. Trong khi đó, nguồn cung cao su trên thế giới sẽ giảm do giá cao su đã giảm sâu vì chính sách khuyến khích chặt bớt cây cao su để giảm sản lượng và tận dụng gỗ cao su để xây dựng đường sá, đê ngăn lũ tại nhiều quốc gia.

Tương tự, Tổ chức Nghiên cứu Cao su quốc tế ở Singapore dự báo nguồn cung cao su toàn cầu năm 2015 sẽ giảm 46% so với 2014 xuống mức 202.000 tấn. Thậm chí, cả IMF và WorldBank đều đưa ra dự báo giá cao su tự nhiên đã chạm đáy vào quý II-2014 và bắt đầu hồi phục từ quý III-2014 mặc dù với tốc độ tăng tương đối chậm.

Từ tình hình thực tế này, các chuyên gia của CTCK Bảo Việt nhận định các doanh nghiệp khai thác, sản xuất và xuất khẩu cao su đã qua giai đoạn khó khăn nhất. Xét riêng về các doanh nghiệp trong ngành, do giá cao su giảm mạnh tác động tiêu cực đến lợi nhuận và diễn biến của giá CP cao su thiên nhiên. Hiện giá CP của đa số các mã đã ở mức hấp dẫn với P/E trung bình vào khoảng 5-7x và P/B<1x.

Ngoài ra, đa số các doanh nghiệp có tỷ lệ trả cổ tức cao hàng năm và tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính của các khoản vay nợ ngắn hạn thấp. Chính vì vậy, nhóm CP cao su được dự đoán là sẽ có diễn biến tích cực trong thời gian tới.

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác