Ngoài việc tiếp tục duy trì quan hệ đối với các thị trường lớn, truyền thống như Trung Quốc, Hồng Kông, Philippines, Malaysia, Indonesia, Singapore…, VN sẽ khai thác các thị rường mới ở Trung Đông, châu Phi.

Trao đổi về tình hình xuất khẩu gạo và cao su sang Trung Quốc trong bối cảnh hiện tại, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, mặc dù tình hình ở Biển Đông gần đây có những biến động, nhưng quan hệ thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước vẫn diễn ra bình thường.

Nhiều mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc và nhập khẩu từ Trung Quốc vào ViệtNam vẫn đạt mức tăng trưởng khá. Ngoài ra, do biến động nhu cầu của thị trường Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng của Việt Namcũng có những dấu hiệu sụt giảm ở một số thời điểm.

Theo quy định của luật pháp Việt Nam, Việt Nam không có hình thức giao dịch thương mại tiểu ngạch, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đều được cơ quan Hải quan quản lý và thống kê đầy đủ.

6 tháng đầu năm 2014, tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 1,34 triệu tấn, trị giá trên 576 triệu USD, tăng 5,38% về lượng và tăng 8,89% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Dự báo cả năm 2014 lượng gạo xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ không có đột biến so với năm 2013.

Trong khi đó tại mặt hàng cao su thiên nhiên, tính đến hết tháng 6 năm 2014, tổng lượng xuất khẩu sang Trung Quốc đạt trên 138 nghìn tấn, trị giá gần 248 triệu USD, giảm 23,6% về lượng và giảm 42,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013.

Theo ông Tuấn Anh, xuất khẩu cao su thời gian qua gặp khó khăn và sụt giảm ở hầu hết các thị trường trong khu vực nói chung, Trung Quốc nói riêng, nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung cao su đang vượt cầu của nước nhập khẩu lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và các nước châu Âu. Bên cạnh đó, kinh tế tăng trưởng chậm, thị trường ảm đạm, sự rớt giá của đồng đôla Mỹ và đầu cơ trên thị trường hàng hóa như Sàn Giao dịch Hàng hóa Tokyo (TOCOM) cũng góp phần khiến giá giao dịch cao su sụt giảm.

Về chủ trương, Chính phủ, Bộ Công Thương từ lâu luôn khuyến khích doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa, tránh phụ thuộc vào 1 thị trường nhất định, trong đó bao gồm cả thị trường hàng nông sản.

Riêng tại mặt hàng gạo và cao su, trong thời gian tới, Việt Nam ngoài việc tiếp tục duy trì quan hệ đối với các thị trường lớn, thị trường truyền thống như Trung Quốc, Hồng Kông, Philippines, Malaysia, Indonesia, Singapore… đồng thời tiếp tục tăng cường khai thác các thị trường tiềm năng như thị trường Hoa Kỳ, Mexico, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan hoặc tìm kiếm các thị trường mới như Palau, thị trường khu vực Trung Đông, châu Phi…

Đầu năm 2010, Hội đồng Cao su quốc tế giữa 3 nước Thái Lan, Indonesia, Malaysia (ITRC) đã thảo luận việc để Việt Nam tham gia ITRC. Hiện tại tổng sản lượng cao su thiên nhiên của 3 nước thuộc ITRC chiếm 70% tổng nguồn cung toàn cầu. Nếu Việt Nam tham gia thì tổ chức này nắm giữ gần 80% tổng sản lượng cao su toàn cầu và có khả năng kiểm soát được 90 – 95% thị trường cao su thế giới. Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu cao su của Việt Nam rất nhỏ so với các nước còn lại nên việc hợp tác như thế nào cũng cần nghiên cứu đánh giá thêm, ông Tuấn Anh cho hay.

Theo Fica.vn

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác