Ông Rusdan Dalimunthe – Giám đốc điều hành Hiệp hội Cao su Indonesia (GAPKINDO), mới đây đã lên tiếng kêu gọi các hội viên không bán cao su với mức giá thấp hơn 1,5 USD/kg (1.500 USD/tấn).

Là quốc gia sản xuất cao su lớn thứ hai thế giới, Indonesia gặp rất nhiều khó khăn trong bối cảnh giá cao su tự nhiên trên thị trường thế giới đã mất hơn 30% giá trị tính từ đầu năm đến nay, gây thiệt hại đáng kể cho các hộ nông dân trồng cao su nước này.

Tại Sở Giao dịch hàng hoá Tokyo (TOCOM), hay Sở Giao dịch hợp đồng kỳ hạn Thượng Hải, giá các hợp đồng cao su kỳ hạn chỉ quanh quẩn ở mức thấp trong nhiều năm nay, do lo ngại về xu hướng tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc – nước tiêu thụ cao su hàng đầu thế giới – và kế hoạch bán 200.000 tấn cao su dự trữ của Thái Lan.

Trong khi đó, ở thị trường Indonesia, giá cao su SIR20 hiện ở mức 1,4 USD/kg, thấp hơn cả giá sản xuất là 1,6 USD/kg.

GAPKINDO đã gửi thông báo trên tới các hiệp hội/doanh nghiệp trong ngành cao su của Thái Lan, Malaysia, Singapore và Việt Nam song chưa nhận được phản hồi chính thức nào.

Mặc dù vậy, giới quan sát nhận định những nỗ lực của GAPKINDO có thể sẽ không thu được kết quả khả quan, do một nhóm hiệp hội các nhà sản xuất trong ngành cũng đã từng kêu gọi sự ủng hộ tương tự nhằm vực dậy thị trường cao su song kế hoạch này đã thất bại.

Hãng tin Reuters dẫn lời một thương gia Thái Lan đặt câu hỏi liệu GAPKINDO có thể đảm bảo được rằng các doanh nghiệp/hộ nông dân thực hiện đúng theo quy ước, khi giá các hợp đồng kỳ hạn trên Sở giao dịch hàng hóa Singapore (Sicom) hiện đang ở mức 1,44 USD/kg, thấp hơn mức sàn dự kiến trên.

Trong một thông tin liên quan, Chủ tịch GAPKINDO Daud Husni Bastari cho biết sản lượng cao su của Indonesia trong năm nay ước đạt khoảng 3,1 triệu tấn, tăng 100.000 tấn so với dự báo trước đó./.

– Theo Vietnam+

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác