Đây là giải pháp được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đề nghị ba nước phối hợp thực hiện trong Kế hoạch phát triển ngành công nghiệp cao su (CNCS) tại khu vực Tam giác phát triển Campuchia–Lào–Việt Nam.

img_54ab7be4344f1Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác

Tại Hội nghị Cấp cao Khu vực Tam giác phát triển (TGPT) Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 8 (CLV-8), ở thủ đô Vientiane, Lào, ngày 25/11, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, nêu rõ ngành nông, lâm nghiệp là thế mạnh của khu vực, đặc biệt là trồng và chế biến cây cao su. Thủ tướng đề nghị ba nước phối hợp xây dựng Kế hoạch phát triển ngành CNCS theo hướng áp dụng các công nghệ tiên tiến; nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; tham gia vào chuỗi cung ứng gắn với các tập đoàn hàng đầu thế giới. Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và cùng thu hút các doanh nghiệp quốc tế đầu tư trồng và chế biến cao su chất lượng cao.

Cao su là ưu tiên hợp tác giữa 3 nước

Trước đó, tại Hội nghị cấp cao CLV-7, tháng 3/2013, 3 Thủ tướng nhất trí coi việc phát triển CNCS là ưu tiên hợp tác phát triển kinh tế giữa ba nước. Đầu năm 2014, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam có ý kiến chỉ đạo, giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành; đối tác phía Campuchia và Lào, tiến hành nghiên cứu và xây dựng kế hoạch phát triển ngành CNCS tại khu vực TGPT.

Hội nghị thống nhất giao Bộ Nông nghiệp ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam, trao đổi và hoàn thiện kế hoạch phát triển ngành CNCS để trình Hội nghị Ủy ban điều phối chung lần thứ 10.

Theo dự thảo báo cáo Nghiên cứu xây dựng kế hoạch phát triển ngành CNCS, do Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) xây dựng, 13 tỉnh khu vực TGPT, quỹ đất có khả năng mở rộng diện tích trồng mới cây cao su là 816.000 ha. Từ nay đến năm 2020, khu vực này dự kiến bố trí khoảng hơn 1 triệu ha cao su, bao gồm trên 700.000 ha đã trồng và 320.000 ha trồng mới (chiếm khoảng 39% tổng quỹ đất có khả năng phát triển cao su). Trong đó, diện tích đưa vào khai thác 682.000 ha; sản lượng khoảng 1,1 triệu tấn; năng suất bình quân 1,6 tấn/ha; nâng cấp và xây dựng mới tổng số 174 nhà máy chế biến mủ, với tổng công suất hơn 1,1 triệu tấn/năm.

Cần giải pháp tổng hợp phát triển theo chuỗi giá trị gia tăng

Để triển khai các phương hướng hợp tác trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đề nghị tiếp tục tạo hành lang pháp lý thông thoáng thông qua các chính sách thuế, thủ tục đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp của ba nước. Để tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa và đi lại qua biên giới, cần từng bước nâng cấp các cặp cửa khẩu, phối hợp triển khai mô hình kiểm tra một cửa một lần dừng vào năm 2015; ký kết các thỏa thuận về thực hiện hiệp định tạo thuận lợi cho người và hàng hóa qua biên giới.

Còn theo đại diện Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp, để ngành CNCS phát triển ổn định, lâu dài và đạt hiệu quả cao về kinh tế-xã hội, cần tiếp tục nghiên cứu hệ thống các giải pháp tổng hợp phát triển ngành cao su bền vững theo chuỗi giá trị gia tăng từ sản xuất, thu mua, chế biến đến tiêu thụ. Đầu tư kinh phí cho tuyển chọn, lai tạo và nhập các giống cao su có năng suất, sản lượng cao; đẩy mạnh công tác khuyến nông, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật; đào tạo nâng cao trình độ cho người lao động trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến cao su.

Bên cạnh đó, phát huy vai trò nòng cốt của các công ty đầu tư trồng cao su trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu, xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với các công ty sản xuất sản phẩm cao su lớn trong và ngoài nước. Tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm các thị trường tiềm năng có nhu cầu, giảm dần sự phụ thuộc vào một vài thị trường lớn; khuyến khích các công ty cải tiến, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ngoài ra, thực hiện các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư trồng và chế biến cao su trên địa bàn các tỉnh trong vùng TGPT CLV…

 Bình Nguyên

Theo Tạp chí CSVN

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác