Tây Trạch là một trong những địa phương của huyện Bố Trạch có lợi thế về phát triển cây cao su tiểu điền. Mặc dù cơn bão số 10 năm 2013 đã gây ra thiệt hại nặng nề, bên cạnh đó, thời gian gần đây giá mủ cao su giảm sút đã khiến một số bà con nông dân không còn mặn mà với loại cây này.

Tuy nhiên, với nhận định cao su là giống cây chủ lực trong việc phát triển kinh tế của địa phương, UBND xã Tây Trạch đã vận động bà con nông dân đẩy nhanh tiến độ khôi phục loại cây này.

Những năm trước đây, gia đình ông Nguyễn Văn Mùi ở thôn Cồn, xã Tây Trạch, trồng hơn 2 ha cao su, trừ chi phí mỗi ngày gia đình ông thu về khoảng 1 triệu đồng. Tuy nhiên, sau cơn bão số 10 năm 2013, gia đình ông đã bị thiệt hại trên 70% diện tích, số cao su còn lại khoảng 100 cây. Tranh thủ thời gian nông nhàn, hai vợ chồng ông Mùi cố gắng khai thác những cây còn lại để kiếm thêm thu nhập. Kinh tế khó khăn, cộng với giá mủ không có chiều hướng tăng trở lại, nhưng ông vẫn quyết bám trụ với cây cao su. Đến nay, trong số hơn 1,5 ha bị gãy đổ, gia đình ông đã phục hồi được 0,7 ha. Và với kế hoạch hỗ trợ từ UBND huyện Bố Trạch với 1,5 triệu đồng/ha, những diện tích còn lại gia đình ông sẽ phủ kín vào đầu năm 2015.

Có thể nói, việc hỗ trợ 1,5 triệu đồng/ha của UBND huyện Bố Trạch tuy không phải là một số tiền lớn, nhưng nó lại có ý nghĩa hết sức quan trọng trong thời điểm kinh tế khó khăn, cộng thêm giá cả vật tư, phân bón, giống cây trồng tăng cao như hiện nay. Hơn nữa, điều này cho thấy sự quan tâm cũng như lòng tin của lãnh đạo huyện Bố Trạch đối với chính sách phát triển cây cao su. Từ đó, giúp người dân thay đổi nhận thức để vững tin, quay trở lại đầu tư vào cây cao su.

Những năm trước, hộ gia đình ông Lê Văn Phiến trồng gần 2,5 ha cao su. Tuy nhiên, cơn bão số 10 năm 2013 đã gây thiệt hại gần như hoàn toàn. Sau gần một năm để đất chết, ông đã có ý định chuyển sang trồng một số loại cây trồng khác như lạc, ngô, sắn. Bởi, đây là những cây ngắn ngày, sớm thu hoạch. Tuy nhiên, được sự vận động của UBND xã Tây Trạch, cộng thêm chính sách hỗ trợ của UBND huyện Bố Trạch, đã làm ông phải thay đổi suy nghĩ. Đến thời điểm này, 1,2 ha cao su đã bén rễ và xanh tươi ngay trên mảnh đất mà cách đó chừng một tháng chỉ là cỏ dại. Trong khi chờ cây cao su phát triển, để có thêm thu nhập, gia đình ông đã chọn cách trồng xen canh thêm một số loại cây trồng khác, lấy ngắn nuôi dài.

Theo số liệu thống kê, toàn xã Tây Trạch có trên 1.200 ha cao su tiểu điền. Trước đây, trung bình mỗi năm cây cao su đem lại cho người dân xã Tây Trạch hàng chục tỷ đồng. Nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu cũng chính nhờ từ cây cao su. Tuy nhiên, sau cơn bão số 10, khoảng 150 ha diện tích bị thiệt hại 100%; số diện tích bị thiệt hại từ 30 đến 70% chiếm khoảng 200 ha. Được sự khuyến khích của UBND xã, một số nhỏ diện tích gãy đổ đã được trồng mới. Hiện nay, UBND xã Tây Trạch đang tập trung toàn lực, chỉ đạo bà con nông dân phục hồi những diện tích bị thiệt hại hoàn toàn. Và trong những năm tiếp theo sẽ thay thế 100% những diện tích cho sản lượng thấp.

Ông Dương Đình Lộc, Chủ tịch UBND xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch cho biết: “Xã Tây Trạch là một trong những xã có diện tích cây cao su bị thiệt hại nặng do cơn bão số 10 năm 2013 gây ra. Tuy nhiên, sau một thời gian tuyên truyền, vận động bà con tiếp tục khôi phục và trồng mới cây cao su thì hiện nay, số cây cao su bị thiệt hại khoảng 60% trở xuống đã được bà con tập trung khôi phục và dựng lại. Nhiều bà con khi được yêu cầu trồng mới cây cao su cũng đã tiến hành khai hoang để trồng lại. Xã đã chọn 2 giống cây cao su có chất lượng là RIM 600 và RT 1 để cung ứng cho bà con nông dân. Hiện bà con đã trồng xong 2 giống cây này”.

Có thể khẳng định, trên mảnh đất Tây Trạch khó có loại cây trồng nào có thể cho hiệu quả kinh tế cao hơn cây cao su. Mặc dù hiện tại có những khó khăn nhất định, nhưng với sự tuyên truyền, chính sách hỗ trợ kịp thời, UBND huyện Bố Trạch và chính quyền xã Tây Trạch đã có bước đi đúng đắn trong việc vận động bà con nông dân quay trở lại với cây cao su tiểu điền.

– QBTV

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác