1. Thế giới:

Sản xuất và tiêu thụ:

Theo dự báo của Tổ chức Nghiên cứu Cao su Quốc tế (IRSG), tổng nhu cầu tiêu thụ cao su trên thế giới năm 2015 sẽ đạt 29,1 triệu tấn và tăng lên 30,3 triệu tấn vào năm 2016. Trong đó, nhu cầu cao su tổng hợp sẽ tăng từ 16,8 triệu tấn năm 2015 lên 17,5 triệu tấn năm 2016 và đến 2023 là 21,5 triệu tấn. Còn nhu cầu đối với cao su thiên nhiên sẽ đạt 12,3 triệu tấn trong năm 2015, sau đó tiếp tục tăng lên 12,9 triệu tấn năm 2016 và 16,5 triệu tấn năm 2023.

Đông Nam Á đang là thị trường tiêu thụ cao su latex tổng hợp (synthetic latex polymers) lớn thứ 4 trên thế giới, chiếm 8%. Ba nước Ma-lai-xia, Thái Lan và In-đô-nê-xia  chiếm đến 82% nhu cầu tiêu thụ cao su latex tổng hợp tại Đông Nam Á; trong đó, chủng loại sản phẩm được sử dụng nhiều nhất là acrylonitrile butadiene (AB nitrile), chiếm 44,6% tổng khối lượng cao su latex tổng hợp tiêu thụ trong khu vực và đóng vai trò quan trọng đối với ngành sản xuất găng tay tại Ma-lai-xia và Thái Lan. Tăng trưởng GDP lạc quan tại ba quốc gia này sẽ thúc đẩy thị trường cao su latex tổng hợp tại Đông Nam Á tăng trưởng với tốc độ 6,5% đến năm 2018.

Thị trường cao su tổng hợp si-li-côn được dự báo sẽ gia tăng giá trị từ 6,5 tỷ USD năm 2013 lên 11 tỷ USD vào năm 2019, với tốc độ tăng trưởng là 9,3% trong giai đoạn 2014 – 2019. Si-li-côn được sử dụng trong các ngành ô tô, điện – điện tử và y tế. Khu vực châu Á Thái Bình Dương là thị trường tiêu thụ si-li-côn lớn nhất thế giới cả về lượng và giá trị, dẫn đầu là Châu Âu, tiếp đến là Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Bra-xin và Trung Đông. Tốc độ tăng trưởng nhanh của ngành xây dựng và ô tô tại các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường si-li-côn trong thời gian tới.

Sản lượng cao su thiên nhiên của Ấn Độ có thể tăng 14,5% trong năm tài chính 2015/16 bắt đầu từ ngày 01/4/2015, lên 750.000 tấn; trong khi tiêu thụ sẽ tăng 4,1%, lên mức cao kỷ lục là 1,06 triệu tấn. Tuy nhiên, sự gia tăng sản lượng không đủ đáp ứng nhu cầu nội địa và các nhà sản xuất lốp xe vẫn duy trì nhập khẩu trong năm 2015/16, do giá trên thị trường thế giới giảm xuống mức thấp. Trước đó, sản lượng cao su của Ấn Độ năm 2014/15 đã giảm 15,4% so với cùng kỳ năm trước và nhập khẩu tăng 15,6% lên mức cao kỷ lục 416.554 tấn. Ấn Độ mua cao su thiên nhiên nhiều nhất từ Thái Lan, Ma-lai-xia, In-đô-nê-xia và Việt Nam.

Tình hình thị trường:

Trong tháng 4, giá cao su kỳ hạn tại Sở Giao dịch hàng hóa Tokyo, Nhật Bản (Tocom) ghi nhận các mức thấp mới trong 9 tuần và 11 tuần do các nhà đầu tư lo ngại nhu cầu tiêu thụ cao su có thể giảm khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm thứ 5 liên tiếp. Tuy nhiên, năng suất cây cao su giảm trong mùa thay lá và đồng Yên suy yếu so với đô la Mỹ vẫn hỗ trợ giá cao su ở một mức độ nhất định.

Giá cao su giao kỳ hạn tại Sở Giao dịch hàng hóa giảm xuống mức thấp trong 9 tuần vào ngày 6/4 do đồng Yên mạnh lên lấn át đà tăng của giá dầu. Đồng Yên mạnh lên khiến tài sản định giá bằng đồng nội tệ của Nhật Bản trở nên đắt hơn khi mua bằng ngoại tệ. Giá cao su thường tăng trong thời gian rụng lá do sản lượng giảm, hiện đang chịu áp lực do nhu cầu yếu, nhất là khi tăng trưởng Trung Quốc chậm lại. Giá cao su benchmark giao tháng 9/2015 chốt phiên 6/4 giảm 3,7 Yên xuống 200,4 Yên/kg, thấp nhất kể từ phiên 30/1/2015. Giá cao su giao tháng 4/2015 chốt phiên 6/4 ở mức 207,2 Yên/kg, giảm 0,8 Yên so với phiên cuối tháng trước (31/3).

Sau khi tụt xuống mức thấp trong 9 tuần do đồng Yên tiếp tục suy yếu so với đô la Mỹ, giá cao su kỳ hạn đã hồi phục trở lại về cuối tháng 4. Kết thúc phiên giao dịch 15/4, giá cao su hợp đồng benchmark giao tháng 9/2015 đạt 198,8 Yên/kg, tăng 2,8 Yên so với phiên 10/4. Giá giao hợp đồng tháng 4/2015 đạt 199,8 Yên/kg, tăng 0,4 Yên so với cuối tuần trước. Giá dầu thô tăng mạnh cũng đã kéo theo giá cao su thế giới, mặc dù không khí giao dịch trầm lắng do số liệu ảm đạm của nền kinh tế Trung Quốc – nước tiêu thụ cao su hàng đầu thế giới. Tăng trưởng kinh tế hàng năm của Trung Quốc sẽ chậm lại xuống mức thấp 6 năm, ở mức 7% trong quý I/2015, do nhu cầu trong và ngoài nước giảm, làm gia tăng hy vọng chính sách kích cầu nhiều hơn, để ngăn chặn sự suy giảm mạnh.

2. Việt Nam:

Tình hình thị trường:

Giá cao su trong nước tháng 4 tiếp tục diễn biến theo xu hướng giảm, với mức giảm khoảng 600 – 700 đ/kg tùy loại. Giá cao su tại các tỉnh Bình Phước, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Dương cụ thể như sau: cao su RSS3 giảm từ 27.800 đ/kg xuống còn 27.100 đ/kg; cao su SVR 3L giảm từ 27.600 đ/kg xuống còn 26.900 đ/kg; cao su SVR10 giảm từ 22.800 đ/kg xuống còn 22.100 đ/kg.

Khối lượng và giá cao su thiên nhiên xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc qua các cửa khẩu phía Bắc tiếp tục giảm. Tuần này, các đối tác Trung Quốc kinh doanh nhập khẩu mặt hàng cao su thiên nhiên Việt Nam giảm khoảng 15% nhu cầu và giá đã giảm 100 Nhân Dân Tệ/tấn so với tuần trước. Trong mấy ngày đầu tháng 4/2015, giá xuất khẩu cao su ở tất cả các cửa khẩu phía Bắc đạt bình quân 9.300 NDT/tấn. Khối lượng cao su xuất khẩu đạt gần 600 tấn/ngày, trong đó lượng hàng giao nhận qua cửa khẩu Lạng Sơn là thấp nhất, chỉ đạt 100 tấn/ngày. Trong tuần, các doanh nghiệp và thương gia Trung Quốc không ký các hợp đồng mua bán vừa và lớn, tập trung nhiều vào các hợp đồng nhỏ từ 20 tấn đến 50 tấn cho mỗi lô hàng. Dự báo, trong một tháng kể từ trung tuần tháng 4 trở đi, các đối tác Trung Quốc sẽ đẩy mạnh nhập khẩu cao su để dự trữ vào giai đoạn giáp vụ thu hoạch nhằm tránh tình trạng thiếu nguyên liệu cung ứng cho ngành sản xuất săm lốp.

Giá cao su xuất khẩu sang Trung Quốc đang trong giai đoạn không ổn định do thời kỳ giáp vụ, nguồn cung tăng, giảm thất thường. Trong những ngày đầu tuần qua, giá sản phẩm cao su hỗn hợp loại 1 tăng 200 Nhân Dân Tệ/tấn so với tuần trước, lên 9.500 NDT/tấn, nhưng đến cuối tuần giá lại giảm xuống chỉ còn 9.350 NDT/tấn. Ở cả ba cửa khẩu chủ chốt thường xuyên có giao dịch cao su cũng không đồng nhất về giá do các doanh nghiệp và thương nhân thỏa thuận riêng. Hiện tại đang vào thời kỳ giáp vụ, nguồn cung cao su nguyên liệu để chế biến thành cao su hỗn hợp xuất khẩu sang Trung Quốc không mấy ổn định.

Tình hình xuất khẩu:

Trong tháng 4/2015, từ 01 – 17/4/2015, giá SVR 3L của Việt Nam xuất khẩu chào bán đạt trung bình 1.580 USD/tấn, không đổi so với mức trung bình trong tháng 3/2015 và giảm 508 USD/tấn (giảm 24,3%) so với tháng 4/2014.

Theo số liệu thống kê mới nhất từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong kỳ từ ngày 24/3 đến ngày 8/4/2015 chỉ đạt 19,1 nghìn tấn, trị giá 27,25 triệu USD, giảm mạnh 44,46% về lượng và 44,75% so với kỳ trước. Nguyên nhân là do sản lượng cao su trong nước giảm mạnh do đây đang là thời điểm cây cao su thay lá và cho năng suất thấp. Trong kỳ, xuất khẩu cao su sang hai thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc và Ma-lai-xia đều giảm mạnh so với kỳ trước. Trong đó, xuất khẩu cao su sang thị trường Trung Quốc giảm 26,8% về lượng và 28,1% về trị giá, đạt 9,4 nghìn tấn, trị giá 13,34 triệu USD. Xuất khẩu cao su sang thị trường Ma-lai-xia giảm tới 51% về lượng và 49,5% về trị giá so với kỳ xuất khẩu từ ngày 10/3 – 24/3/2015, đạt 3,76 nghìn tấn, trị giá 5,27 triệu USD.

Nguyễn Lan Anh

Tài liệu tham khảo:

  1. Báo cáo Thống kê của Trung tâm Tin học và Thống kê (CIS), Bộ Nông nghiệp & PTNT
  2. CSDL giá nông sản PMARD của CIS
  3. Tin Reuters
  4. Website: VRA, TTXVN, Vinanet, Vneconomy…

Nguồn: Trung tâm XTTM Bộ NN&PTNT

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác