Năm 2015 sẽ là năm tiếp tục khó khăn của ngành cao su khi lợi nhuận từ cây cao su sẽ không nhiều, thậm chí là không có.

Đó là dự báo khá bi quan của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG). Theo đó, giá cao su trên thị trường sẽ ở mức 31.000 đồng/kg, trong khi giá sản xuất là 30.000 đồng/kg.

Năm 2014 là một trong những năm khó khăn nhất của ngành cao su trong nước và là một năm chứng kiến giá cao su thấp nhất trong 5 năm qua khi chạm đáy với giá 1.500 đô la Mỹ/tấn.

Nguyên nhân được VRG chỉ ra là Trung Quốc, thị trường tiêu thụ lớn nhất với 60% lượng cao su Việt Nam trong nhiều năm qua “ngưng mua” vào. Kết quả, doanh nghiệp trong nước có muốn bán cũng không bán được.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn còn dẫn thông tin từ một số doanh nghiệp cho biết, trong năm 2015, tình hình sẽ có khăn hơn cho việc xuất khẩu cao su sang thị trường Trung Quốc vì những căng thẳng trên Biển Đông đang có dấu hiệu xuất hiện trở lại.

Dự báo ngành cao su tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2015
Dự báo ngành cao su tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2015

Theo Bộ NN &PTNT, năm 2014, Việt Nam xuất khẩu được 1,07 triệu tấn cao su, giá trị thu về là 1,8 tỉ USD Mỹ, mức xuất khẩu này tương đương năm 2013 song giá trị thu về giảm gần 28%.

Giá trị xuất khẩu giảm phần nhiều do giá bán giảm. Cụ thể, giá xuất khẩu trung bình trong 11 tháng của năm 2014 là 1.695 USD/tấn, giảm hơn 27% so với cùng kỳ năm 2013. Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ lớn nhất của cao su Việt Nam khi chiếm gần 43% tổng lượng cao su xuất khẩu.

Nghịch lý

Trong khi xuất khẩu cao su chững lại thì khối lượng cao su nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2014 tăng 4,9% với 328 nghìn tấn, đạt 658 triệu USD.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu cao su lớn thứ 6 của Việt Nam, chiếm 5,4% tổng kim ngạch nhập khẩu, sau các thị trường lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Campuchia… So với cùng kỳ năm 2013, tổng khối lượng nhập khẩu cao su từ thị trường Trung Quốc trong 11 tháng đầu năm 2014 đã tăng 10,8% và giá trị tăng 4%.

Nghịch lý xuất cao su rồi lại nhập cao su về, phụ thuộc vào một thị trường ở cả đầu vào lẫn đầu ra diễn ra trong bối cảnh thời gian qua người dân nhiều tỉnh, thành ở Tây Nguyên, Nam Bộ phải chặt bỏ cao su vì ế ẩm, chuyển sang cây trồng khác cho thu nhập cao hơn.

Dù là “người khổng lồ” về xuất khẩu cao su nhưng vấn đề đặt ra lâu nay đối với  ngành này là hầu hết cao su Việt Nam đều xuất khẩu dạng nguyên liệu thô. Sản phẩm chế biến và tinh chế cao su chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ, trong khi phát triển công nghiệp chế biến sâu sản phẩm cao su mới tạo ra giá trị gia tăng rất lớn.

Trao đổi trên báo Tin tức, ông Trần Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc VRG thừa nhận, hiện Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô, chủ yếu là cao su thiên nhiên đã qua sơ chế và nhựa cao su Latex (chưa qua sơ chế).

Với cách làm này, giá trị gia tăng của ngành cao su không cao và không ổn định. Trong khi đó, theo tính toán, giá trị của cao su sẽ tăng đến 20 lần nếu sản phẩm thô được đưa vào chế biến sâu.

Theo tính toán của các chuyên gia trong ngành, nếu bán cao su thô được 1, nhưng chuyển sang chế biến thành các sản phẩm cao su thông thường (như săm lốp), giá trị sẽ tăng gấp 8-10 lần; còn nếu chế tạo thành các sản phẩm cao su kỹ thuật, giá trị có thể tăng 18-20 lần. Ngoài ra, việc tập trung chế biến cao su cũng sẽ giúp nền kinh tế giảm thiểu nhu cầu nhập khẩu linh kiện cho các ngành công nghiệp khác, trị giá hàng chục triệu đến hàng trăm triệu USD…

Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) cũng đánh giá:

“Mủ cao su của Việt Nam chủ yếu phục vụ xuất khẩu. Mới chỉ có 18% lượng mủ cao su được đưa vào chế biến ở trong nước. Nếu chúng ta chế biến được 25% lượng mủ cao su sản xuất ra thì sẽ bớt phụ thuộc vào thị trường nước ngoài. Do vậy, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cao su trong nước cần phải đầu tư mạnh hơn nữa, để tăng sản lượng chế biến mủ cao su”.

  • An Nhiên (Tổng hợp)

Theo Báo Đất Việt

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác