Nhiều tháng qua, giá cao su xuất khẩu liên tục sụt giảm, diễn biến thất thường, thậm chí có thời điểm rơi xuống dưới 40 triệu đồng/tấn, chưa bằng một nửa mức giá năm 2011. Hầu hết các DN và người trồng cao su khu vực Tây Nguyên bị tác động.

Cao su vượt khó
TS. Lê Đức Tánh

Lượng cao su tồn kho theo đó tăng lên, khiến cho cả DN và người trồng cao su đứng ngồi không yên, loay hoay tìm đầu ra. Phóng viên Thời báo Ngân hàng có cuộc trao đổi với TS. Lê Đức Tánh, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh về vấn đề này.

Theo ông, đâu là nguyên nhân chính dẫn tới giảm giá cao su như vừa qua?

So với các năm trước, từ đầu năm 2013 đến nay, lượng cao su tồn kho tại các DN nhiều hơn hẳn. Cùng với diễn biến giảm giá của mủ cao su, hầu hết các DN trong ngành cao su đều bị ảnh hưởng, khó khăn về nguồn vốn chứ không riêng gì Công ty Cao su Chư Păh. Nguyên nhân là do nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức; ngành cao su chịu nhiều ảnh hưởng bất lợi…

Thể hiện rõ nhất là nhu cầu tiêu thụ giảm trong lúc nguồn cung tăng, nên giá cao su giảm mạnh từ giữa năm 2012 và giảm xuống thấp trong năm qua. Giá cao su năm 2013 chỉ bằng khoảng 75% so với năm 2012. Tiêu thụ mủ cao su gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, giá các mặt hàng xăng dầu, phân bón lại tăng làm giá thành sản xuất tăng cao. Mặt khác, thời tiết diễn biến phức tạp, bão lụt xảy ra trong nhiều tháng khiến sản lượng bị ảnh hưởng. Trong niên vụ khai thác 2013 vừa qua, vườn cây bị bệnh phấn trắng từ đầu mùa cạo.

Đặc biệt trong tháng 10 và tháng 11 có 7 cơn bão diễn ra liên tiếp nên số ngày cạo ít, mưa nhiều ngày làm vườn cây bị rụng lá, năng suất và sản lượng thấp nên sản xuất, kinh doanh của các DN gặp rất nhiều khó khăn.

Trong điều kiện như vậy, DN có những giải pháp gì để ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, thưa ông?

Những năm gần đây, khó khăn của ngành cao su thì ai cũng có thể thấy rõ. Nhưng khó không phải không có cách khắc phục để mang lại hiệu quả trong hoạt động kinh doanh của DN, mang lại cơm áo cho hàng ngàn người lao động. Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh hiện có tổng diện tích cao su quản lý trên 13 nghìn hecta, bao gồm hơn 3 nghìn hecta tại Campuchia; diện tích khai thác gần 6.700 hecta.

Trong năm 2013, DN đã có những giải pháp tích cực để khắc phục những khó khăn, đạt được nhiều kết quả khả quan: khai thác 9.205 tấn và thu mua 397 tấn cao su; tiêu thụ 9.202 tấn (xuất khẩu trực tiếp 8.820 tấn); kim ngạch xuất khẩu 20,358 triệu USD; tổng doanh thu hơn 473 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế trên 51 tỷ đồng…

Có được kết quả đó cũng chính nhờ sự đầu tư vốn kịp thời của các ngân hàng trên địa bàn, giúp DN có đủ nguồn vốn để quay vòng, đầu tư các dự án trồng mới.

Thời gian đầu tư để có sản phẩm cao su kéo dài, thị trường lại không ổn định. Vậy công ty chuẩn bị gì cho tương lai?

Dự báo năm 2014 sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, chưa có nhiều tín hiệu lạc quan, thị trường tiêu thụ cao su thiên nhiên vẫn chưa tăng, thậm chí có xu hướng giảm, trong lúc đó nguồn cung cao su ngày càng tăng, vì vậy giá cao su khó có khả năng tăng trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, tình hình thời tiết diễn biến bất thường, bệnh trên vườn cây có nguy cơ tái phát.

Để đối mặt với những khó khăn này, DN đã đề ra những giải pháp cụ thể khắc phục như: Tăng cường công tác quản lý tài chính, thực hành tiết kiệm đảm bảo các chi phí hợp lý nhằm hạ giá thành sản phẩm; đẩy mạnh công tác đầu tư thâm canh, phòng trị bệnh phấn trắng kịp thời; tập trung công tác quản lý chất lượng nguyên liệu; không ngừng tăng năng suất lao động, năng suất vườn cây; mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, giữ vững các thị trường truyền thống, phát triển các thị trường mới tiềm năng.

Đặc biệt, công ty sẽ quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn, đặc biệt là vốn vay ngân hàng; chú trọng hoạt động kết nghĩa, tạo sự đoàn kết gắn bó ngày càng bền vững trong cộng đồng, giúp các xã trên địa bàn thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới…

Cùng với việc tập trung kiến thiết cơ bản, chăm sóc, tái canh vườn cao su, DN đang đầu tư dự án xây dựng nhà máy chế biến mủ với kinh phí trên 60 tỷ đồng, nguồn vốn do BIDV Gia Lai tài trợ. Đây là dự án trọng điểm của DN trong năm 2014.

Khi hoàn thành, dự án giúp DN chủ động được hoạt động sản xuất và chế biến mủ cao su hiện có, đồng thời mở rộng việc thu mua mủ cao su tiểu điền của bà con nông dân và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN.

Vậy, đâu là thách thức lớn của DN hiện nay, thưa ông?

Năm 2001, Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh là một DN nhỏ nhất trong các DN trong ngành cao su trên địa bàn Gia Lai. Nhưng đến nay, công ty đã vươn lên thành một DN nhất nhì trong các thành viên thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam hoạt động trên địa bàn miền Trung – Tây Nguyên; kết quả sản xuất kinh doanh luôn có lãi và tỷ suất lợi nhuận trên vốn cao, mức tăng trưởng bình quân khoảng 30-40%/năm.

Nếu năm 2001, thu nhập của người lao động chỉ 1,8 triệu đồng thì đến nay trên 5,4 triệu đồng/người/tháng, thưởng cuối năm trên 11 triệu đồng. Sản phẩm, uy tín thương hiệu của DN được nâng lên, khẳng định vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế. Nhiều năm liền từ năm 2009 đến nay, công ty đều đạt danh hiệu DN xuất khẩu uy tín tiêu biểu.

Trải qua những khó khăn do ảnh hưởng suy thoái kinh tế, DN nhận thấy đang có những thách thức nhất định về chất lượng nguồn nhân lực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh. Do DN có số lượng lớn người lao động là đồng bào dân tộc, mặt bằng trí thức thấp nên hàm lượng chất xám còn hạn chế. Ngoài ra, khủng hoảng kinh tế làm ảnh hưởng hiệu quả sản xuất kinh doanh, kéo theo thu nhập của người lao động gặp nhiều khó khăn…

Công Thái thực hiện

Theo Thời báo Ngân hàng

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác