Hàng ngàn ha cao su tại nhiều tỉnh thành miền Đông và miền Trung bị chặt bỏ do giá mủ xuống thấp, thu không đủ bù chi. Đất Việt đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) một số tỉnh, thành để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Trung Quốc nhập ít chỉ là một phần

Ông Vương Quốc Thới, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh cho biết, tổng diện tích cao su bị người dân trên địa bàn tỉnh chặt bỏ là khoảng 1.300 ha, trong đó có 700 ha cao su già, gần 250 ha cao su 4 – 5 tuổi…

Theo ông Thới, tính đến thời điểm này, diện tích trồng cây cao su của Tây Ninh là hơn 98.000 ha, vượt quy hoạch khoảng 18.000 ha (diện tích cao su quy hoạch là 80.000 ha).

Nguyên nhân chính khiến người dân nhắm mắt chặt bỏ hàng loạt vườn cao su, theo ông Thới là do giá mủ đang rớt mạnh, một phần do thị trường Trung Quốc nhập ít hơn. Hiện Trung Quốc chiếm khoảng 50% thị trường xuất khẩu cao su của Việt Nam.

“Vào thời đỉnh cao, giá mủ cao su lên tới hơn 100 triệu đồng/tấn, còn bây giờ mỗi tấn mủ chỉ thu được hai mươi mấy triệu đồng”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Tuấn, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Nông cho biết, tình trạng người dân chặt bỏ cao su đã diễn ra vài tháng nay trên địa bàn tỉnh. Tổng diện tích cao su chặt ở Krông Nô, Đắk Rlấp, Đắk Mil, Cư Jút khoảng hơn 100 ha, nằm trong các diện tích cao su già cỗi, những loại cao su trước đây trồng giống không đảm bảo, mủ ít, một số diện tích cao su trồng xen trong cà phê…

Trước thông tin Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cao su chủ yếu của Việt Nam, giờ nước bạn hạn chế nhập khiến nông dân phải chặt bỏ, ông Tuấn nói rằng đây chỉ là một phần.

“Giá cả nông nghiệp hiện nay phụ thuộc vào thị trường, cung cầu thay đổi thì giá giảm, nông dân cảm thấy cây trồng khác hiệu quả hơn thì họ chuyển đổi chứ chẳng có vấn đề gì lớn” – ông Tuấn nói.

Đắk Nông được quy hoạch 30.000 ha cao su, còn thực tế cũng tròm trèm con số này.

Còn tỉnh Bình Phước có 230.000 ha cao su. Dù chưa thống kê được bao nhiêu ha cao su đã bị chặt bỏ nhưng ông Nguyễn Văn Tới, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Phước cho biết, lúc nào cũng có tình trạng này, đó là người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Hiện một số công trình thủy lợi Bộ làm bắt đầu phát huy tác dụng, các vùng mà người dân chặt bỏ cao su có nước tưới thì chuyển sang trồng cây có giá trị cao hơn.

“Cũng chẳng phải lý do giá mủ cao su rớt mạnh, người dân thấy cây gì hiệu quả thì làm thôi. Hiện người dân chưa bị lỗ. Nếu chỗ nào có nước tưới, trồng 1 ha cây ăn trái thì chỉ cần 3 năm sau là có thể cho 400 – 500 triệu/ha, còn cao su chỉ được 20 – 30 triệu/ha, 3 năm sau chỉ được 90 triệu/ha. Vì thế người dân chặt cao su đi trồng cây ăn trái. Tôi cũng đang chặt đây”.

Người dân tự làm tự chịu?

Theo ông Tới, không thể vận động dân không chặt vì đó là quyền của họ.

“Diện tích nào không hiệu quả thì chắc chắn người dân mới chặt. Tỉnh có khoảng 20.000 ha cao su trồng vào diện tích không hiệu quả, chúng tôi đã khuyến cáo nhưng người dân vẫn trồng nên phải chịu hậu quả. Không thể cấm người dân không trồng được”, ông Tới nói.

Còn ông Vương Quốc Thới, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh cho rằng, để xảy ra tình trạng cao su trồng vượt quy hoạch, đến bây giờ nông dân lại phải khóc chặt bỏ cây cao su là do lý do khách quan.

“Ngày trước tỉnh cũng đã khuyến cáo nhưng giá mủ cao su lên cao nên người dân tự ý đưa cây cao su xuống vùng thấp trồng. Khi ấy khoảng 5.000 ha đất lúa đã được chuyển thành đất trồng cao su. Giờ cây cao su không hiệu quả, mà chờ giá lên thì biết đến bao giờ. Tất nhiên không thể đổ thừa nông dân được. Chúng tôi đã hướng dẫn người dân chuyển sang trồng một số cây ngắn ngày cho hiệu quả tốt như khoai mì để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Còn nói trách nhiệm của Nhà nước ở đây cũng khó vì đây là quy hoạch mở”, ông Thới nói.

Hiện tỉnh Tây Ninh chỉ có chính sách hỗ trợ cho cây lúa, còn cây cao su thì không, có chăng chỉ hướng dẫn phòng trừ một số sâu bệnh trên cây cao su mà thôi.

Ông Phạm Minh Đạo, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai cho rằng, để truy trách nhiệm để xảy ra tình trạng này phải hỏi Bộ Nông nghiệp.

“Nông dân chặt là quyền của họ chứ biết làm sao? Mình có nuôi dân đâu mà bảo họ làm theo được, trong khi dù không bảo mà dân thấy có giá thì họ vẫn làm. Nhiều cây hiện nay đang chết, chứ không riêng gì cây cao su. Vấn đề này ở tầm vĩ mô, ở tỉnh không xử lý nổi. Cái này phải hỏi Bộ Nông nghiệp”.

Theo ông Đạo, việc quy hoạch cũng như cơ chế tổ chức thực hiện của Việt Nam đang có vấn đề. “Tôi kiến nghị TƯ có cơ chế chính sách để quản lý, tổ chức thực hiện quy hoạch, ngành hàng nông nghiệp nói chung và ngành hàng sản phẩm nông nghiệp nói riêng. Chúng ta ‘đẻ’ ra quy hoạch nhưng không có cơ chế cho người ta làm.

Ví dụ: quy hoạch cho Đồng Nai 50.000 ha cao su thì cần làm rõ các vấn đề: giống, chuyển giao tiến độ kỹ thuật Trung ương làm gì? địa phương làm gì? Vốn liếng, thị trường, chế biến ai lo? Rồi phân bố địa bàn nào, cụ thể ở đâu bao nhiêu và tổ chức thực hiện như thế nào? Có triển khai đồng bộ như thế thì mới làm được”.

“Trách nhiệm Nhà nước còn nhiều chuyện phải lo lắm, mà lo không đến nơi đến chốn kiểu này chỉ khổ dân”, ông Đạo kết luận.

Theo Đất Việt

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác