Thời gian gần đây, giá mủ cao-su giảm thấp, khiến nhiều nông dân ở Ðác Nông thua lỗ nặng, ồ ạt chặt bỏ cây cao-su chuyển sang trồng các loại cây công nghiệp khác. Trong khi đó, cây cao-su kể từ khi trồng đến khi thu hoạch mất khoảng sáu đến bảy năm và cần nguồn vốn đầu tư gần 200 triệu đồng/ha. Vì vậy, vấn đề hiện nay là tỉnh Ðác Nông cần có giải pháp giúp người dân vượt qua giai đoạn khó khăn.

Ðể cây cao su phát triển bền vững ở Ðác Nông

Do giá mủ cao-su giảm thấp cho nên nhiều hộ dân ở xã Nghĩa Thắng, huyện Ðác R’lấp (Ðác Nông) đã chặt ngọn và rong cành cây cao-su để làm trụ trồng tiêu.

Vòng luẩn quẩn

Trong giai đoạn 2000-2011, khi giá mủ cao-su đạt mức cao kỷ lục, có thời điểm đạt 110-120 triệu đồng/tấn mủ quy khô, cũng như các tỉnh khác trong vùng, trên địa bàn tỉnh Ðác Nông đã xảy ra tình trạng phát triển cao-su ồ ạt. Theo quy hoạch, đến năm 2015, diện tích cây cao-su trên địa bàn tỉnh là 32.032 ha và đến năm 2020 là 36.295 ha. Theo thống kê mới nhất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Ðác Nông, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 32.260 ha cao-su, bao gồm 5.970 ha cao-su quốc doanh, 3.990 ha cao-su do các doanh nghiệp tư nhân trồng và có tới 22.300 ha cao-su tiểu điền, trong đó có 12.766 ha đang trong thời kỳ khai thác, với năng suất bình quân đạt 1.627 kg/ha. Tuy diện tích tăng không nhiều so với quy hoạch, nhưng do trong giai đoạn “sốt” mủ cao-su trước đây, nhiều hộ nông dân đã trồng cao-su trên đất có độ cao hơn 700 m so với mực nước biển, đất dốc hơn 30% và trồng giống kém chất lượng, thiếu vốn đầu tư, chăm sóc không đúng kỹ thuật… dẫn đến cây cao-su phát triển chậm, còi cọc, sau sáu, bảy năm vẫn không cho mủ hoặc cho mủ với năng suất và chất lượng thấp, khiến người nông dân lâm cảnh thua lỗ, nợ nần. Thêm vào đó, từ năm 2013 đến nay, khi giá mủ cao-su trên thị trường giảm thấp hơn giá thành sản xuất, nông dân một số địa phương ở Ðác Nông đã bỏ bê vườn cao-su, không chăm sóc, không cạo mủ, thậm chí còn chặt bỏ, chuyển sang trồng các loại cây khác.

Qua kiểm tra, rà soát của Sở NN&PTNT Ðác Nông, tính đến nay, nông dân trên địa bàn tỉnh đã chặt bỏ hơn 360 ha cao-su chuyển sang trồng tiêu, cà-phê, chanh dây… tập trung nhiều nhất tại huyện Ðác R’lấp với 212 ha, huyện Ðác Song 83 ha, huyện Tuy Ðức 32 ha, huyện Krông Nô 23,5 ha… và hiện nay tình trạng chặt bỏ vườn cao-su vẫn chưa dừng lại. Anh Vũ Ngọc Chiến ở xã Ðác Drô, huyện Krông Nô đã chặt bỏ hơn 2,5 ha cao-su đang trong thời kỳ khai thác mủ, chia sẻ: “Vườn cao-su của gia đình tôi không hiểu vì sao sản lượng mủ rất ít, đã vậy, thời gian gần đây, mủ cao-su lại rớt giá thê thảm, thu không đủ bù chi phí đầu tư, thuê nhân công chăm sóc… buộc phải chặt bỏ, chuyển sang trồng hồ tiêu, cà-phê cho hiệu quả kinh tế cao hơn”.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Ðác Nông Hồ Gấm cho biết: Nguyên nhân người dân chặt bỏ vườn cao-su là do giá mủ xuống thấp, trong khi đó cây cao-su có thời gian kiến thiết cơ bản dài, yêu cầu vốn đầu tư cao, nhưng nhiều nông dân thiếu vốn đầu tư, thêm vào đó là tình hình sâu bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng năng suất, chất lượng. Một số vườn cao-su lâu năm do trồng giống thực sinh không bảo đảm, lượng mủ thấp; trình độ canh tác của người nông dân chưa cao, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số…

Ðể cao-su thật sự là “vàng trắng”

Theo nhận định của ông Hồ Gấm, cây cao-su kể từ khi trồng đến khi thu hoạch là bảy năm, người nông dân phải đầu tư bình quân 195 triệu đồng/ha, gồm tiền mua cây giống, phân bón, thuê nhân công lao động… chưa kể tiền thuê đất. Ðây là nguồn kinh phí không hề nhỏ. Thời gian gần đây giá mủ cao-su thấp, người trồng cao-su lỗ nặng, cuộc sống bấp bênh, điêu đứng. Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Ðác R’lấp Cao Quý Thương cho biết: Giá mủ

cao-su lên, xuống là theo quy luật thị trường, không nên vì giá mủ thấp như hiện nay mà chặt bỏ. Phòng NN&PTNT huyện đã chủ động phối hợp các đoàn thể và chính quyền các địa phương về tận các thôn, buôn tổ chức tuyên truyền, vận động người dân không nên chặt bỏ cây cao-su và hướng dẫn người dân tìm kế sinh nhai trong vườn cao-su như phát triển chăn nuôi, trồng các loại cây ngắn ngày… cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt. Về lâu dài, huyện sẽ quy hoạch và kêu gọi xây dựng nhà máy chế biến mủ cao-su ngay trên địa bàn để nâng cao chất lượng mủ và tìm thị trường đầu ra… Ðồng thời, đề nghị Nhà nước mua bảo hiểm cho các loại cây nông nghiệp, giúp người nông dân bớt khó khăn.

Hằng năm, ngành nông nghiệp nên về từng xã, huyện mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật, xây dựng quy trình chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh… cho cây cao-su nhằm nâng cao trình độ canh tác cho nông dân. Ngoài ra, các ngành chức năng của tỉnh cũng cần khẩn trương khảo sát, thử nghiệm chất đất từng vùng để bố trí lại cây trồng cho phù hợp điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng, không để lặp lại tình trạng trồng-chặt, chặt-trồng ảnh hưởng đời sống người nông dân và làm cho nền kinh tế của tỉnh phát triển thiếu bền vững. Nhân đây cũng đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương có chính sách hỗ trợ vốn, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất cao-su. Ðầu tư xây dựng các nhà máy từ sơ chế đến chế biến tinh tại từng vùng, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây cao-su…

Sở NN&PTNT Ðác Nông đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo người nông dân không chạy theo thị trường, yên tâm chăm sóc cây cao-su, ổn định diện tích đang có, tuyệt đối không chặt cây cao-su tại những vườn đã trồng bằng giống mới sinh trưởng phát triển tốt, những vườn cao-su đang cho thu mủ tốt; có chế tài xử phạt đối với trường hợp vi phạm chặt bỏ vườn cao-su trong vùng quy hoạch, dự án.HỒ GẤM

Phó Giám đốc Sở NN & PTNT Ðác Nông

Theo Nhân dân

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác