Cho dù Việt Nam trúng thầu cung cấp 800.000 tấn gạo cho Philippines nhưng hầu hết các doanh nghiệp (DN) lại đang chối bỏ hợp đồng này, khiến xuất khẩu (XK) mặt hàng gạo tiếp tục sụt giảm cả về lượng và giá trị trong tháng 5/2014 và 5 tháng đầu năm. Gạo, cao su, chè vẫn là những mảng màu xám trong bức tranh XK nông, lâm, thủy sản (NLTS) đang sáng lạn.

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, kim ngạch XK NLTS tháng 5 ước đạt 2,278 tỷ USD, đưa giá trị XK toàn ngành 5 tháng đầu năm 2014 lên 12,12 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, giá trị XK các mặt hàng nông sản chính tăng 5,1%; thuỷ sản tăng 25%; lâm sản tăng 13,8%.

XK gạo lận đận

Khối lượng gạo XK tháng 5/2014 ước đạt 591.000 tấn với giá trị kim ngạch 259 triệu USD. Lũy kế khối lượng gạo XK 5 tháng đầu năm đạt 2,65 triệu tấn, đem về 1,19 tỷ USD, giảm 10,2% về khối lượng và 7,3% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường lớn nhất là Trung Quốc với 41,75% thị phần. Đáng chú ý là thị trường Philippines có sự tăng trưởng gấp 5,26 lần về khối lượng và 5,79 lần về giá trị, đưa Philippines vươn lên vị trí thứ 2 trong các thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam, chiếm 18,66% thị phần. Tiếp đến là Gana, Singapore chiếm lần lượt 5,35%, 4% thị phần.

Những tưởng tin vui Việt Nam trúng thầu cung cấp 800.000 tấn gạo cho Philippines trong phiên đấu giá ngày 15/4 sẽ là bệ đỡ cứu nguy cho XK gạo của Việt Nam, kỳ vọng khôi phục được đà tăng trưởng trong tháng 5. Thế nhưng gói thầu bán gạo cho Philippines đang đứng trước nguy cơ “tan đàn, xẻ nghé” khi hàng loạt DN như Việt Hưng, Đại Hưng, Phước Thành, Viễn Thông Thuận, Thanh Hồng (Tiền Giang), Khiêm Thanh (An Giang)… từ chối hợp đồng ủy thác của Vinafood 2. Nguyên nhân vì mức giá đấu thầu của Việt Nam thấp hơn 30 USD/tấn so với mức giá thấp nhất của 3 đối thủ còn lại là Thái Lan, Pháp và Hồng Kông (Trung Quốc).

Theo ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, DN nhận được hợp đồng ủy thác từ Vinafood 2 với giá FOB (giao hàng tại cảng Sài Gòn) chỉ là 370,5 USD/tấn. So với giá thị trường hiện nay, nếu thực hiện, công ty lỗ 300 đồng/kg. “Chúng ta cứ sợ Thái Lan xả hàng bỏ giá thấp nhưng quy định khi đấu thầu của Philippines phải là gạo mới, được thu hoạch không quá 4 tháng. Với điều kiện này thì Thái Lan không thể đáp ứng vì gạo họ muốn xả ra bán giá rẻ là gạo tồn từ năm 2012 – 2013. Bởi thế họ đấu thầu rất ít chỉ với gói 100.000 tấn và giá không hề thấp nên chúng ta đã bị hớ”, ông Đôn phàn nàn.

Trong văn bản gửi Vinafood 2 và Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) xin không thực hiện hợp đồng ủy thác XK 6.956 tấn gạo sang Philippines, Công ty Việt Hưng ghi rõ lý do là giá thấp và bị ràng buộc nhiều điều kiện “không có tiền lệ”: nếu DN giao gạo không đúng tiêu chuẩn mà Cơ quan Lương thực quốc gia Philippines (NFA) đưa ra thì sẽ bị phạt nặng. Đó là, nếu gạo vượt quá 15% tấm thì bị phạt 3USD/tấn; vượt quá 25% tấm phạt 30 USD/tấn; nếu hạt gạo xát dối, độ ẩm cao cũng bị phạt từ 7,7-15,4 USD/tấn.

Chung tình cảnh lận đận như gạo là các mặt hàng: cao su, chè. Ước tính, khối lượng XK cao su tháng 5/2014 đạt 51.000 tấn, đem về 96 triệu USD. Lũy kế 5 tháng đầu năm, XK cao su đạt 239.000 tấn, kim ngạch 473 triệu USD, giảm 20,2% về khối lượng và 39,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Giá cao su XK giảm 24,89% so với cùng kỳ. Mặc dù Trung Quốc và Malaysia vẫn duy trì là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam nhưng lại có xu hướng giảm mạnh. Cụ thể, Trung Quốc giảm 37,65% về khối lượng và 53,26% về giá trị; Malaysia giảm 22,61% về khối lượng và 45,86% về giá trị. Riêng thị trường Hà Lan có tốc độ tăng nhanh nhất, gấp hơn 6 lần về lượng và hơn 4 lần về giá trị so với 4 tháng đầu năm 2013.

Ở mặt hàng chè, khối lượng XK tháng 5/2014 đạt 9.000 tấn với giá trị 14 triệu USD, đưa khối lượng XK mặt hàng này 5 tháng đầu năm 2014 lên 43.000 tấn, đạt kim ngạch 68 triệu USD, giảm 12,1% về lượng và 8,8% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Khối lượng chè XK sang Pakistan – thị trường lớn nhất của Việt Nam giảm 23,86% về khối lượng nhưng tăng 3,66% về giá trị. Thị trường Cô-oét có tốc độ tăng mạnh nhất, gấp hơn 3 lần so với 5 tháng đầu năm 2013.

Nhiều mặt hàng tăng trưởng mạnh

Hầu hết các mặt hàng NLTS đều đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ cả về sản lượng lẫn kim ngạch XK. Tháng 5/2014, XK càphê ước đạt 154.000 tấn với giá trị 336 triệu USD, đưa khối lượng XK càphê 5 tháng đầu năm lên 966.000 tấn và 1,96 tỷ USD, tăng 36,7% về khối lượng và 29% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ càphê lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2014 với thị phần lần lượt là 14,08% và 9,62%. Thị trường Bỉ và Pháp có tốc độ tăng mạnh nhất, gấp hơn 2 lần về lượng so với 4 tháng đầu năm 2013.

Với mặt hàng điều, sản lượng XK tháng 5 đạt 23.000 tấn, đem về 151 triệu USD, đưa khối lượng XK 5 tháng đạt 98.000 tấn với kim ngạch 618 triệu USD, tăng 10,8% về khối lượng và 11,5% về giá trị. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hà Lan vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam, chiếm lần lượt 28,69%, 18,53% và 9,47% tổng giá trị XK.

Ở mặt hàng tiêu, khối lượng XK tháng 5 ước đạt 17.000 tấn, với giá trị 126 triệu USD. Lũy kế từ đầu năm đến nay đã XK 92.000 tấn, đem về 645 triệu USD, tăng 33,6% về khối lượng và 42,3% về giá trị. Giá tiêu XK tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. XK tiêu sang thị trường Hoa Kỳ, Singapore và Ấn Độ tăng mạnh, chiếm 40,6% thị phần. Thị trường Hoa Kỳ tăng 34,49% về khối lượng và tăng 39,12% về giá trị. Thị trường Singapore tăng gấp 2,8 lần về lượng và hơn 3,4 lần về giá trị (chiếm 18,53% thị phần); Ấn Độ tăng gấp hơn 2 lần cả về lượng và giá trị (chiếm 9,47% thị phần). Đáng chú ý là thị trường Pakistan có tốc độ tăng mạnh nhất, gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm 2013.

XK gỗ và sản phẩm gỗ vẫn đạt con số tăng trưởng ấn tượng, với kim ngạch tháng 5 là 384 triệu USD, đưa tổng giá trị XK 5 tháng lên 2,34 tỷ USD, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2013. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản – 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam – chiếm 66,16% tổng giá trị XK, có mức tăng trưởng lần lượt là 25,58%, 16,96% và 28,78%.

Mặt hàng thủy sản đạt mức tăng trưởng 25% về giá trị kim ngạch so với 5 tháng đầu năm ngoái. XK thủy sản đạt 552 triệu USD trong tháng 5/2014 và 2,83 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm. Hoa Kỳ vẫn duy trì được vị trí là thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 23,64% tổng giá trị XK, tăng 67,02% so với cùng kỳ năm 2013. XK thủy sản sang hầu hết các thị trường tiêu thụ lớn khác đều tăng mạnh như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc với mức tăng tương ứng đạt 13,06%, 53,33% và 47,51%.

Giá trị nhập khẩu NLTS trong 5 tháng đầu năm ước đạt 8,56 tỷ USD, tăng 20,1% so với năm cùng kỳ năm 2013. Như vậy, thặng dư thương mại toàn ngành nông, lâm, ngư nghiệp đến thời điểm này là 3,4 tỷ USD.

 Tại Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh XK nhóm hàng nông, thủy sản, hai bộ Nông nghiệp – PTNT và Công Thương đã đưa ra các giải pháp: Tập trung vào việc phát triển thương mại, đàm phán mở rộng thị trường, dỡ bỏ các rào cản thương mại và kỹ thuật cũng như nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại. Song song với đó là các nhóm giải pháp dài hạn liên quan đến công tác quy hoạch vùng nguyên liệu và phát triển sản xuất nông nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực, quản lý chất lượng sản phẩm…

Chu Khôi

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác