Sản lượng cao su nguyên liệu đạt 1 triệu tấn/năm nhưng trong nước chỉ tiêu thụ khoảng 154.000 tấn, số còn lại phải xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu thô, giá thấp

Để tăng cường tiêu thụ cao su nguyên liệu trong nước và thúc đẩy phát triển chế biến sản phẩm cao su công nghiệp, nhà sản xuất công nghiệp và các nhà cung ứng nguyên liệu cần ngồi lại với nhau để tìm “tiếng nói chung”.

Giá mủ giảm 60% so với đỉnh

Theo thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, diện tích trồng cây cao su cả nước đạt hơn 956.000 ha, tăng hơn 2 lần so với 10 năm trước. Trong 7 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu cao su nguyên liệu đạt 451.000 tấn, giá trị 828 triệu USD, giảm 10% sản lượng và giảm 32,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Dự báo, năm 2014, xuất khẩu cao su nguyên liệu ước đạt 1 triệu tấn, giá trị từ 1,8-2 tỉ USD, giảm 7%-10% về số lượng nhưng kim ngạch có thể giảm từ 25%-30%.

Nghịch lý cao su nguyên liệu
Nguyên liệu cao su trong nước ế thừa nhưng nhà sản xuất cao su công nghiệp phải nhập khẩu. (Ảnh chỉ có tính minh họa) Ảnh: INTERNET

Ông Võ Hoàng An, Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam, cho biết: Giá cao su nguyên liệu xuất khẩu năm 2013 bình quân đạt 2.315 USD/tấn, đến tháng 8-2014 giá chỉ còn 1.809 USD/tấn, giảm 60% so với đỉnh điểm năm 2011. Nguyên nhân là do nền kinh tế thế giới chưa hồi phục, nhu cầu tiêu thụ chậm, trong khi nguồn cung tăng do nhiều nước mở rộng diện tích trồng cây cao su trong thời kỳ giá cao dẫn đến cung vượt cầu.

Đáng lo là giá cao su nguyên liệu xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn giá bán cùng loại của các nước trong khu vực. Nguyên nhân chính là chất lượng không ổn định, không đồng đều, nhiều lô hàng không có giấy kiểm định chất lượng. Bà Nguyễn Thanh Loan, Phó trưởng Phòng Chính sách phát triển công nghiệp Cục Hóa chất – Bộ Công Thương, cho rằng điều đáng ngại là trong tổng diện tích trồng cây cao su hiện nay thì diện tích cao su tiểu điền chiếm đến 47,6%, sản lượng chiếm 52,8% và năng suất chỉ đạt 1.746 kg/ha, thấp hơn nhiều so với trồng đại điền. Mặc dù xuất khẩu nhiều nhưng mỗi năm Việt Nam vẫn nhập khẩu lượng lớn cao su nguyên liệu.

Cung, cầu chưa gặp nhau

Nghịch lý là trong khi cao su nguyên liệu trong nước bị ế, các nhà sản xuất cao su công nghiệp lại phải tốn nhiều ngoại tệ nhập khẩu cao su nguyên liệu. Mặc dù sản lượng cao su nguyên liệu đạt khoảng 1  triệu tấn/năm nhưng trong nước chỉ tiêu thụ khoảng 154.000 tấn, số còn lại phải xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu thô, giá thấp. Một số nhà sản xuất lốp xe cho biết họ cần sử dụng số lượng lớn chủng loại SVR 20, SVR10, RSS3 nhưng các mặt hàng này có tỉ trọng thấp trong cơ cấu cao su thiên nhiên Việt Nam nên nhà sản xuất phải nhập từ nước ngoài. Trong khi sản xuất chủng loại SVR 3L chiếm 40-50% thì nhu cầu tiêu thụ của các nhà công nghiệp chế biến trong nước lại thấp. Ông Hà Phước Lộc, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Đà Nẵng, cho biết: Để sản xuất lốp siêu tải, công ty phải cần cao su nguyên liệu có độ nhớt V5 nhưng cao su nguyên liệu Việt Nam lại có độ nhớt không đạt, vì vậy công ty buộc phải nhập khẩu. Muốn sản xuất lốp radial thì cao su nguyên liệu phải là V10 nhưng loại cao su này Việt Nam lại không có, vì vậy công ty phải nhập khẩu cao su của Malaysia.

Phó Cục trưởng Cục Hóa chất, ông Lưu Hoàng Ngọc, cho rằng việc cao su nguyên liệu trong nước khó tiêu thụ tại sân nhà một phần do tình trạng liên kết giữa những đơn vị thu mua, cung ứng mủ cao su sơ chế và các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chưa tốt nên các bên cần ngồi lại với nhau để tìm tiếng nói chung. Do chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các cơ sở chế biến và quy chuẩn quốc gia cho nguyên liệu đầu vào dẫn đến chất lượng cao su sơ chế không ổn định, không tạo được động lực cho doanh nghiệp quan tâm chất lượng nên các doanh nghiệp công nghiệp cao su hạn chế dùng nguyên liệu cao su trong nước.

Sơn Nhung
Theo Người lao động

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác