Hơn 10 năm trước, đồng bào Bana xã Hà Tây, huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) do thói quen và tập quán canh tác còn lạc hậu, lại chủ yếu trồng các loại cây lượng thực bản địa cho năng suất thấp, nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng, với việc đưa cây cao su và hướng dẫn về kỹ thuật, hỗ trợ vốn của Công ty Cao su Chư Păh, đã góp phần làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn và đời sống của đồng bào nơi đây.  

Đổi thay buôn làng…

Ông Kưh (một nông dân người Bana, hiện đang sống ở làng Kon Pơ Nang) cho biết, trước đây, khu vực rẫy nhà ông còn bị bỏ hoang, thỉnh thoảng khi thời tiết có mưa mới trồng được ít khoai mì hoặc lúa nước nhưng năng suất không cao, năm nào được mùa thì cũng chỉ đủ ăn vài tháng. Ông Kưh kể, hồi đó đường vào rẫy khó đi lắm, do phải lội qua con suối Đăk Pơ Tơng rất hung dữ. Không chỉ vậy, khi mưa xuống đường đi cũng thường xuyên bị sạt lở, bùn lầy rất khó đi. Trong khi đó, vào mùa khô rẫy thiếu nước nên cũng không trồng được cây gì ngoài khoai mì và lúa nương; năng suất rất thấp nên phần lớn các hộ thường bỏ hoang rẫy.

Gia Lai: Hiệu quả từ việc đưa cây cao su đến với buôn làng

Nhiều người sau khi được tuyển vào làm công nhân
Công ty Cao su Chư Păh cuộc sống kinh tế gia đình đã khá hơn trước

Ông Đinh Sưk – Chủ tịch UBND xã Hà Tây cho biết, Hà Tây là xã có 100% người đồng bào dân tộc Bana với 775 hộ, 4.881 nhân khẩu. Đặc biệt, xã có 3 làng gồm: Kon Sơ Lal, Kon Sơ Mó và Kon Sơ Bai với gần 150 hộ dân Bana với hơn 1.000 nhân khẩu, trước đây quanh năm bị cô lập bởi con suối Đăk Pơ Tơng.Còn giờ đây, những điều mà ông Kưh kể đã trở thành quá khứ của người dân xã Hà Tây. Trên con đường bê tông từ trung tâm xã qua nhà ông Kưh, qua rẫy của ông, rồi nối dài với các làng Kon Sơ Lal, Kon Sơ Mó, Kon Sơ Bai, hai bên đường, nhiều ngôi nhà mới xây khá khang trang mà theo như lời ông Kưh, thì những thay đổi đó là nhờ cây cao su của Công ty Cao su Chư Păh mang lại.

Theo ông Đinh Kưk, do địa bàn bị chia cắt và hạ tầng thiếu thốn nên có lúc tình hình an ninh chính trị tại nhiều buôn làng khá phức tạp; việc đi lại, giao lưu với các địa bàn khác rất khó khăn; cái đói, cái nghèo quanh năm đeo bám với người dân trong xã. Bởi vậy, cả một thời gian khá dài, Hà Tây được liệt vào danh sách xã đặc biệt khó khăn của huyện Chư Păh.

Tuy nhiên, trong hơn 10 năm trở lại đây, xuất phát từ việc Công ty cao su Chư Păh sau khi khảo sát đã có kế hoạch trình UBND huyện Chư Păh để trồng cây cao su tại xã Hà Tây. Từ đây, bộ mặt buôn làng của xã đã từng bước thay đổi đáng kể, đời sống của đồng bào dần được nâng cao. Trong đó, cùng với đường giao thông, điện, trường, trạm, nước sạch cũng đã đến được với người dân trong xã. Hiện nay, Hà Tây đã thoát ra khỏi danh sách xã đặc biệt khó khăn của huyện ChưPăh.

… Sự đột phá và đúng hướng của một chủ trương !

Theo ông Đinh Sưk, Chủ tịch UBND xã Hà Tây, hơn 10 năm trước, xuất phát từ những khó khăn của người dân xã Hà Tây, lãnh đạo Công ty Cao su Chư Păh đã về địa phương khảo sát, tìm hiểu rồi đề xuất, trình với chính quyền huyện và xã để đưa cây cao su về với buôn làng. Ban đầu, do thói quen về tập quán canh tác, phần lớn người dân trong xã không tin tưởng vào hiệu quả mà cây cao su có thể mang lại. Thậm chí, có người nói, cái cây “mủ trắng” ấy phải mấy mùa trăng mới cho thu hoạch, trong khi cây mì cứ cắm xuống vài tháng đã có cái củ để mà ăn; rồi “cái mủ trắng” kia biết bán cho ai mà trồng ?….

Nhưng với sự tận tình, kiên trì, đội ngũ cán bộ, kỹ sư Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh đã giúp cho đời sống đồng bào tại đây thay đổi. Công ty đã đưa về cây cao su cùng những hỗ trợ về vốn, hướng dẫn tận tình về kỹ thuật trồng và chăm sóc, dần dần từ một vài hộ rồi đến hàng chục và nay là hàng trăm hộ đã tích cực trồng cây cao su tiểu điền ngay trên đất rẫy vốn nhiều năm bỏ hoang của mình với tổng diện tích trên 250 ha, trong đó có trên 70 hộ có từ 2 ha trở lên. Ngoài ra, toàn xã đến nay cũng đã có đến hơn 300 người được tuyển vào làm công nhân cao su Chư Păh .

“Điều đáng mừng là được sự hướng dẫn của Công ty Cao su Chư Păh, bà con dân tộc chúng tôi đã biết “lấy ngắn nuôi dài” bằng việc trồng xen canh cây khoai mì và nhiều rau, củ, quả khác trong rẫy cao su. Cách làm này không chỉ giúp đồng bào có cái ăn trước mắt, góp phần đẩy lùi khó khăn trong điều kiện cây cao su chưa đến tuổi thu hoạch. Và cho đến nay, không chỉ cây cao su đang bén rễ phát triển tại vùng đất của xã Hà Tây mà còn có rất nhiều lao động tại địa phương được tuyển vào làm công nhân của Công ty Cao su Chư Păh; nhiều hộ nhận khoán để chăm sóc cao su cho Công ty hoặc đã mạnh dạn trồng cao su tiểu điền nên đời sống dần vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu. Bên cạnh đó, Công ty Cao su Chư Păh cũng đã bỏ ra trên 30 tỷ đồng để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, công tác chính sách, đền ơn đáp nghĩa… tại xã Hà Tây. Đặc biệt, nhiều con đường nhựa cấp phối và bê tông hóa đã được xây dựng để vào sâu từng buôn làng, đến tận ngõ hẻm của các hộ dân; trong đó, đáng kể hơn là với ba làng: Kon Sơ Lal, Kon Sơ Mó, Kon Sơ Bai hiện đã không còn cảnh chia cắt bởi cây cầu bắc qua con suối Đăk Pơ Tơng sau khi xây dựng đã tạo thuận lợi cho sự giao lưu, đi lại của đồng bào”- ông Đinh Sưk cho biết thêm.

Quay lại câu chuyện của nhà ông Kưh (làng Kon Pơ Nang), chúng tôi được biết, ông có 4 ha cao su đang vào mùa khai thác, tính giá mủ cao su cách đây khoảng 2 năm, mỗi năm ông thu về trên 200 triệu đồng. Còn hiện tại, theo ông, giá mủ tuy có thấp hơn so với năm trước nhưng gia đình ông cũng thu trên 100 triệu đồng/năm. Từ nguồn thu của mủ cao su, đến nay, ông Kưh đã xây được nhà, mua được xe ô tô và có cả xe tải, máy cày cùng nhiều trang bị sinh hoạt đắt tiền khác.

Cũng theo ông Kưh, giống như nhà ông, ở làng Kon Pơ Nang còn có khá nhiều hộ đang sở hữu từ 2 – 5 ha cao su tiểu điền đang vào mùa khai thác, mỗi năm cho thu hoạch từ trên 150 – 300 triệu đồng…

Đáng kể hơn, nhiều thanh niên trẻ đã được tuyển dụng vào làm công nhân của Công ty Cao su Chư Păh và nhận giao khoán chăm sóc, khai thác cao su, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Trong số này, có anh Prơi (làng Kon Sơ Lal). Theo lời anh Prơi, do phải “bắt” vợ sớm nên anh có đến 4 đứa con, cuộc sống gia đình trước đây rất khó khăn nhưng từ ngày Công ty Cao su Chư Păh đưa cây cao su về làng, anh đã xin vào làm công nhân và nhận khoán của Công ty 3 ha cao su, lương mỗi tháng anh nhận bình quân từ 5 – 7 triệu đồng. Ngoài ra, anh Prơi cũng trồng thêm được 5 sào lúa nước, 4 sào bời lời, 5 sào mì, 1 ha cao su tiểu điền năm thứ 2. Tính bình quân, mỗi năm anh cũng thu về gần 200 triệu đồng. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình anh đã vượt qua khó khăn, anh cũng có đủ điều kiện để xây nhà, mua sắm trang bị tiện nghi đắt tiền trong nhà đầy đủ và lo cho con nhỏ ăn học.

Gia Lai: Hiệu quả từ việc đưa cây cao su đến với buôn làng

Công nhân Công ty Cao su Chưu Păh phấn khởi làm việc vì mức thu nhập khá ổn định, giúp họ đảm bảo cuộc sống gia đình

Cũng như Prơi, anh Gun ở làng Kon Sơ Mó được tuyển vào làm công nhân cao su Công ty Chư Păh gần 10 năm nay. Anh đã được Công ty giao khoán 3 ha cao su khai thác với mức lương bình quân từ 5 – 7 triệu đồng/tháng và cũng nhờ trồng thêm được 1 ha cao su tiểu điền, 5 sào mì, 3 sào lúa nước, 1 ha bời lời nên hiện giờ anh đã xây được nhà to, nuôi 4 đứa con khôn lớn.

Trong khi đó, ở làng Kon Măh, chị Xum (39 tuổi) cũng là gương lao động trẻ của làng thành đạt nhờ chị nhận khoán 3 ha cao su khai thác của Công ty Chư Păh. Chị Xum cho biết, sau 6 năm được tuyển vào làm công nhân, giờ kinh tế của chị Xum đã khá hơn trước nhiều. Chị đã xây được nhà đẹp, mua 3 chiếc xe máy đắt tiền, máy cày ruộng,… Nhờ siêng năng chăm chỉ làm việc, chị còn được Công ty Cao su Chư Păh bình chọn là chiến sỹ thi đua 4 năm liền.

Có thể nói, chủ trương đưa cây cao su về buôn làng của Lãnh đạo Công ty Cao su Chư Păh hơn 10 năm về trước đã góp phần rất lớn làm thay đổi diện mạo và đời sống của người dân xã miền núi Hà Tây. Ông Lê Đức Tánh – Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh chia sẻ: Đây không chỉ là một bước đột phá mới để triển khai có hiệu quả tiềm năng đất đai rất lớn, phù hợp với cây cao su tại xã Hà Tây mà còn góp phần mở ra bước phát triển mới, làm thay đổi đời sống người dân và diện mạo tại một vùng quê vốn nghèo khó của Tây Nguyên. Sau thành công này, trong thời gian tới, Công ty chúng tôi sẽ tiếp tục nhân rộng tại nhiều địa phương khác thuộc huyện Chư Păh và tỉnh Gia Lai. Theo chúng tôi, đây không chỉ là điều kiện để nâng cao đời sống kinh tế hộ gia đình cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên mà điều đáng nói hơn là một khi kinh tế đã phát triển sẽ giúp cho đồng bào nâng cao nhận thức về các vấn đề xã hội, về an ninh chính trị và đời sống văn hóa. Qua đó góp phần giữ gìn truyền thống văn hóa và xây dựng Tây Nguyên phát triển ổn định, bền vững.

Theo Dangcongsan.vn

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác