Mùa trồng mới năm 2014 của các CTCS khu vực miền núi phía Bắc được đánh giá khá thành công. Để vườn cây chất lượng tốt và đạt hiệu quả dài lâu, lãnh đạo Tập đoàn đề nghị thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Giải pháp đồng bộ cho cao su miền núi phía Bắc

CTCS khu vực miền núi phía Bắc có nhiều diện tích trồng vượt quy trình. Ảnh: Tùng Châu

Đã phát triển hơn 28.000 ha cao su

Kết thúc vụ trồng mới năm 2014, 9 CTCS khu vực miền núi phía Bắc đã trồng mới và trồng lại 4.200 ha cao su, bằng 103% kế hoạch điều chỉnh (so năm 2013 diện tích trồng mới giảm 308 ha). Đây là năm đầu tiên 100% diện tích được trồng bằng bầu có tầng lá (39% trồng bầu 1-2 tầng lá và 61% trồng tum bầu 2-3 tầng lá trở lên), tỷ lệ cây sống bình quân của toàn khu vực trên 95%.

Theo đánh giá của Ban Quản lý Kỹ thuật VRG, kết quả trồng mới năm 2014 khá tốt và có tiến bộ so các năm trước. Về tiến độ, có 78% diện tích được trồng đúng thời vụ đến 18/7/2014; đến cuối tháng 7/2014 có hơn 93% diện tích đã trồng, trong đó 43% diện tích trồng sớm trước 20/6 kết quả rất tốt.

Số liệu thống kê tại cuộc họp Sơ kết 9 tháng đầu năm 2014, tổng kết công tác trồng mới năm 2014 các công ty cổ phần cao su khu vực miền núi phía Bắc, tổ chức ngày 22/10, tại Yên Bái, cho thấy đến 31/7/2014, tổng diện tích cao su của các công ty khu vực miền núi phía Bắc là hơn 28.100 ha, trong đó, diện tích vùng Tây Bắc gần 23.000 ha và Đông Bắc 5.122 ha. Trong tổng diện tích nêu trên, cao su KTCB năm 2014 của 9 công ty là 23.900 ha.

Về sinh trưởng, đối với đa số vườn cây trồng từ năm 2011 trở về trước do nhiều nguyên nhân (rét, giống không thích hợp, cây giống kém chất lượng, trồng tum, trồng trễ…) cây sinh trưởng không đồng đều, hụt vanh, mật độ thấp đang được các công ty tích cực khắc phục. Các vườn cây tại khu vực tỉnh Lai Châu, Điện Biên tốc độ phục hồi khá nhanh, đến nay đã có những dấu hiệu khả quan, một số bắt đầu sinh trưởng vượt quy trình. Các diện tích trồng từ 2012 về sau tốt hơn, tại cả 2 khu vực Tây và Đông Bắc, nhiều vườn cây sinh trưởng khá.

Phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Giải pháp đồng bộ cho cao su miền núi phía Bắc

Cao su phát triển tốt tại Công ty CPCS Lai Châu. Ảnh: Phan Thắng

Theo Ban Quản lý Kỹ thuật VRG, để vườn cây có chất lượng tốt, đạt hiệu quả dài lâu, các đơn vị cần chấp hành nghiêm túc và tổ chức thực hiện tốt những chỉ đạo chuyên môn của Tập đoàn về chọn đất trồng, quản lý giống, phương pháp trồng, thời vụ trồng, quản lý và kỹ thuật bón phân, kiểm soát cỏ dại, phòng trị bệnh hại …

Trong đó, công tác quy hoạch chọn đất trồng mới có vai trò quan trọng. Chọn đất trồng phải tập trung liền vùng, hoặc phải liền kề với vùng trồng cao su các năm trước; phải đạt tiêu chuẩn về độ cao, độ dốc, thích hợp về lý hóa tính đất và điều kiện khí hậu; kiên quyết không trồng mới ở những diện tích nhỏ lẻ, cách trở về giao thông, vượt độ cao, độ dốc, đất không thích hợp, vùng có sương muối; phải có hệ thống đường lô, đường liên lô thuận lợi để bảo đảm cho công tác quản lý và chăm sóc vườn cây kịp thời vụ.

Công tác chọn và bố trí giống cao su cần phải thích hợp với điều kiện sinh thái của từng tiểu vùng; quản lý nguồn gốc giống, tránh để lẫn lộn giống trong vườn nhân, vườn ươm và vườn trồng mới; không trồng giống VNg 77-2 ở vùng núi phía Bắc. Ngoài ra, chuẩn bị đủ số lượng cây giống tum bầu, bầu tầng lá đạt tiêu chuẩn chất lượng, kịp thời vụ để trồng dặm, trồng mới đúng thời vụ thích hợp. Làm vườn ươm sản xuất cây bầu có tầng lá trong vùng trồng mới, hoặc phải tập kết cây giống tới vùng trồng mới trước mùa mưa; sử dụng cây bầu 1-2 tầng lá hoặc tum bầu 2-3 tầng lá ổn định, đạt tiêu chuẩn chất lượng để trồng mới.

Cùng với đó, công tác trồng mới đúng thời vụ, kết thúc trồng mới sớm hơn (15/7) để bảo đảm cây có đủ thời gian thuận lợi cho sinh trưởng nhằm tăng khả năng chống chịu vào mùa đông. Trồng dặm định hình vườn cây ngay năm trồng mới hoặc chậm nhất là năm thứ hai KTCB ngay từ đầu vụ trồng mới; tăng cường chăm sóc, bón phân cho cây trồng dặm và cây sinh trưởng yếu; phúp bồn tủ gốc cho cây cao su trồng mới, cây trồng dặm vào cuối mùa mưa…

Bên cạnh đó, phải kiểm kê, quản lý chính xác dữ liệu về diện tích, chất lượng vườn cây; kết quả kiểm kê phải phản ánh đúng thực tế chất lượng vườn cây; thống nhất quản lý dữ liệu thống kê, kiểm kê vườn cây và diện tích đất nông nghiệp trong toàn công ty. Các công ty tổ chức tham quan học tập các mô hình vườn cây tốt, quản lý tốt. Mỗi công ty cần phải xây dựng mô hình vườn cây chất lượng cao để đúc kết kinh nghiệm và nhân rộng. Tăng cường công tác quản lý kỹ thuật, đào tạo kỹ thuật theo chuyên đề phù hợp.

Anh Quân

Theo Tạp chí CSVN

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác