Trong khi các giống cao su cao sản, thậm chí là giống trong nhóm chịu lạnh không cầm cự được cái rét cắt da cắt thịt thì IAN 873 gần như không hề hấn gì.

Năm 2008, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) tiến hành trồng cao su đại điền ở Tây Bắc và thí điểm ở một số tỉnh Đông Bắc.

Cùng lúc đó, Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam đưa ra một loạt các giống để trồng khảo nghiệm. Sau hơn 6 năm thử thách cùng sương gió, IAN 873 nổi lên như một “thủ lĩnh” chịu lạnh trong tập đoàn giống cao su của VRG.

“Ốc đảo” IAN 873

Với khao khát đưa loại cây trồng công nghiệp mới, có giá trị kinh tế cao, chu kỳ khai thác lâu dài vào trồng nhằm tạo công ăn việc làm ổn định cho đồng bào trên mảnh đất biên cương nghèo khó nhất nhì cả nước, năm 2008 tỉnh Hà Giang và VRG quyết định trồng thí điểm 1.000 ha cao tại 3 huyện vùng thấp của Hà Giang là Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên.

Tuy nhiên, trận rét lịch sử kèm theo sương muối năm 2010 đã gần như xóa sổ 99% diện tích cao su được trồng năm 2008 tại đây. Nhưng kỳ lạ thay, trong khi các giống cao su cao sản, thậm chí là giống trong nhóm chịu lạnh không cầm cự được cái rét cắt da cắt thịt ở khu vực gió mùa Đông Bắc thì IAN 873 gần như không hề hấn gì. Sau đợt rét kỉ lục năm 2010, vườn cao su IAN 873 tại Hà Giang vẫn phát triển ổn định, lá xanh tốt quanh năm.

Hiện nhiều cây trong vườn cao su khoảng 1 ha còn sót lại tại xã Trung Thành, huyện Vị Xuyên của Cty CP Cao su Hà Giang đã có đường kính trên 25 cm, đủ điều kiện khai thác mủ như các đồn điền cao su năng suất cao tại Đông Nam Bộ.

Đừng từ xa quan sát, vườn cao su IAN 873 tại huyện Vị Xuyên, Hà Giang nổi lên như một “ốc đảo” xanh giữa bạt ngàn những lô cao su mới trồng. Ông Nguyễn Xuân Phú, Giám đốc Cty CP Cao su Hà Giang tâm sự: “Chính giống IAN 873 là vị “cứu tinh” cho cả vùng cao su Đông Bắc sau đợt rét kỷ lục năm 2010. Nếu không có những giống như IAN 873 trụ lại, chưa chắc đã hình thành nên được vùng trồng cao su chịu lạnh như ngày hôm nay. Sau khi cho thấy sự thích nghi với giá rét thần kỳ của mình, hiện IAN 873 từ nhóm II đã được Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam và VRG đưa lên đầu bảng I những giống cao su chịu lạnh”.

Bản thân các tỉnh Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai… khi tiến hành trồng dặm, trồng mới cao su từ năm 2011 đến nay đều lựa chọn IAN 873 là giống chủ lực trong cơ cấu. Ông Nguyễn Xuân Phú cho biết thêm, trong hơn 300 ha trồng mới của Cty CP Cao su Hà Giang năm 2014 này thì IAN 873 chiếm tuyệt đối 100%, qua đó, đưa giống này lên chiếm trên 60% tổng diện tích gần 1.500 ha cao su chịu lạnh đã trồng tại Hà Giang.

Giống cao su IAN 873: Thủ lĩnh cao su chịu lạnh phía Bắc“Đối thủ” của Vân Nghiên 774, 772

Cùng với sự nổi lên đáng kinh ngạc của IAN 873 thì Vân Nghiên 774 và Vân Nghiên 772 cũng là 2 giống cao su chịu lạnh đang được trồng khá nhiều tại khu vực Tây Bắc và Đông Bắc của nước ta. Ông Lê Mậu Túy – Trưởng Bộ môn giống (Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam) chia sẻ, Vân Nghiên 774, 772 là hai giống cao su chịu lạnh có nguồn gốc từ Viện Nghiên cứu cây nhiệt đới Vân Nam thuộc vùng XiXoongbana, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc được nhập về và trồng tại các tỉnh phía Bắc từ năm 2012. Trong đó, Viện KHKT nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc là một trong những đầu mối nhập về khảo nghiệm và công nhận giống tạm thời.

Qua quá trình trồng và theo dõi cho thấy, Vân Nghiên 774, 772 cũng chống chịu lạnh khá tốt, tỉ lệ cây sống rất cao, sinh trưởng và phát triển khá tại huyện Malipho, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, giáp biên giới với các tỉnh miền núi phía Bắc của nước ta.

Malipho đã trồng giống cao su này hàng chục năm qua. Không chỉ là cây mang lợi ích trồng rừng lấy gỗ như chúng ta vẫn hay nghĩ mà giống cao su Vân nghiên 774, 772 thực sự đang đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân Trung Quốc tại các khu vực khó khăn giáp với biên giới Việt Nam.

Tuy nhiên, phần lớn lãnh đạo các công ty cao su tại Tây Bắc và Đông Bắc đều đánh giá giống IAN 873 có phần nhỉnh hơn Vân Nghiên 772, 774. Là một người gắn bó với cây cao su phía Bắc từ những ngày đầu, ông Nguyễn Khắc Vũ, Phó Tổng Giám đốc Cty CP Cao su Lai Châu cho biết, bản thân ông đã theo dõi và quan sát rất kỹ 2 giống cao su chịu lạnh “một 9 một 10″ này và nhận thấy giữa chúng có sự khác biệt đáng kể.

Theo như ông Phú thì giống Vân Nghiên 772, 774 như là một “chú gấu” ngủ đông. Theo thông lệ, bắt đầu cuối thu là giống Vân Nghiên bắt đầu thay và rụng lá. Trong suốt những tháng mùa đông giá rét cây cao su gần như rụng hết lá, một số chỉ giữ lại những chồi non trên ngọn và các đầu cành. Lúc này, cây gần như không phát triển.

Tuy nhiên, khi những cơn mưa ấm áp của mùa xuân đến, giống cao su Vân Nghiên lập tức đam chồi, nảy lộc trở lại, chỉ trong thời gian ngắn cây lại phát triển bộ lạ xanh tốt, lúc này cây sinh trưởng và phát triển rất nhanh.

Nếu Vân Nghiên chọn giải pháp “ngủ đông” thì IAN 873 lại thích nghi với mùa đông để tồn tại. Có thể nói, bốn mùa giống IAN 873 đều giữ được bộ lá xanh tốt để sinh trưởng và phát triển từ từ. Giống Vân Nghiên đôi lúc vẫn bị sương muối táp cháy lá non thì IAN 873 gần như không bị ảnh hưởng. Dù tốc độ sinh trưởng và phát triển của IAN 873 trong mùa xuân, mùa hè và nửa đầu mùa thu chậm hơn Vân Nghiên, song xét chu kỳ cả 1 năm thì IAN 873 lại nhỉnh hơn về thể tích, khối lượng tăng trưởng nên được các DN trồng cao su ở phía Bắc tin tưởng cao hơn.

– Nông nghiệp Việt Nam

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác