Giá, công nghệ và quản trị là 3 yếu tố mà ngành công nghiệp phụ trợ cao su ở VN không thể đáp ứng được trước sự yêu cầu của các khách hàng nước ngoài.

img_54dd8305371d3

Doanh nghiệp tìm hiểu sản phẩm cao su kỹ thuật của VN. Ảnh: Tùng Châu

Theo ông Nguyễn Quốc Anh – Chủ tịch Hội Nhựa, Cao su TP.HCM, năm 2014, Hội đã thực hiện cuộc khảo sát về năng lực sản xuất các DN hội viên tham gia sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho hai ngành ô tô, xe máy và điện tử. Kết quả khảo sát cho thấy có đến 95% DN không đáp ứng về giá, 90% không đáp ứng được về công nghệ, 90% không đáp ứng về quản trị.

Ông Quốc Anh tiết lộ có một công ty nước ngoài tìm đến Hội nhờ giới thiệu DN trong nước cung ứng sản phẩm ron cao su với số lượng khoảng 10 triệu cái mỗi năm. Tuy nhiên, giá được các DN nhựa, cao su chào lại quá cao, gấp 10 lần và thậm chí có DN chào cao gấp 100 lần so với mức giá mà phía đối tác dự kiến sẽ mua.

Nhu cầu sử dụng các sản phẩm cao su kỹ thuật ở VN rất lớn nhưng có rất ít DN Việt đáp ứng được. Đơn cử như mỗi năm VN sử dụng khoảng 40 triệu van bơm hơi trong săm lốp xe máy. Với giá trị khoảng 3.000 đồng/van thì hiện nay VN vẫn phải mất 120 tỷ đồng mỗi năm để nhập khẩu bởi trong nước không ai sản xuất với giá được các đối tác muốn mua chấp nhận. “Mỗi chiếc van bơm hơi trong săm lốp xe máy gồm 5 chi tiết phụ, mỗi chi tiết có giá bình quân được các đối tác dự kiến mua khoảng 300 đồng nhưng khi tôi đi hỏi các DN công nghiệp hỗ trợ ngành cao su, nhựa của ta thì hầu hết đều chào giá trên  1.000 đồng/chi tiết”, ông Quốc Anh dẫn chứng.

“Các DN VN chỉ cung cấp cao su gác chân, cao su đệm… còn phần lớn các cao su cao cấp như dây đai truyền lực, ron, phốt, ống cao su thủy lực… đều nhập khẩu hoặc do các doanh nghiệp FDI cung cấp”, ông Nguyễn Quốc Anh.

Sở dĩ các DN nhựa, cao su trong nước chào giá bán các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ quá cao là vì hầu hết không được đầu tư công nghiệp sản xuất hiện đại đủ sức làm các đơn hàng số lượng lớn và chất lượng cao. Ngoài ra, đại đa số DN nhựa, cao su VN không có hệ thống thiết kế sản phẩm. Trong khi đó, các tập đoàn lớn khi vào VN tìm kiếm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cần chính là sản phẩm phải đồng đều về chất lượng, chính xác về số lượng, giao hàng đúng hạn.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Hồng – Phó TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Thống Nhất (Ruthimex), DN cao su, nhựa trong nước cần phải rất kiên trì mới có thể trở thành nhà cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ lâu dài cho các đối tác lớn. Chẳng hạn như Ruthimex, trước khi trở thành nhà cung cấp các sản phẩm cao su cho các nhà sản xuất xe lớn như BMW, Ford … thì cũng phải mất đến 2 – 3 năm “thử thách”, đáp ứng hàng loạt yêu cầu khắt khe của đối tác và phải có năng lực tài chính để đủ sức sản xuất thử nghiệm từ số lượng ít đến số lượng nhiều  với chất lượng ổn định.

Quốc Hùng

Theo Tạp chí CSVN

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác