Trong khi cao su thiên nhiên của Thái Lan, Malaysia được bán cao hơn giá sàn đề xuất (1,5 USD/kg), Indonesia lại bán cho Bridgestone và Goodyear với giá thấp hơn.

Các Hiệp hội Cao su từ Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Việt Nam và Campuchia sau phiên họp tại Malacca, Malaysia đã nhất trí thúc giục hội viên không bán cao su dưới 1,5 USD/kg trong một nỗ lực nhằm nâng giá cao su từ mức thấp nhất 5 năm qua.

Mức giá 1,5 USD/kg hiện vẫn thấp hơn chi phí sản xuất, mặc dù một số nước sản xuất chủ chốt – kể cả Indonesia – tiếp tục bán dưới mức giá sàn đề xuất nhằm thu tiền mặt trong một thị trường đang bị ảnh hưởng nặng nề do thừa cung.

Một thương nhân tại Kuala Lumpur cho biết, tuy đã có thỏa thuận không bán cao su dưới 1,5 USD/kg theo đề xuất của các hiệp hội cao su, nhưng chưa có thỏa thuận ràng buộc. Không ai có thể ký một loại thỏa thuận như vậy vì không ai có quyền để làm việc đó.

Một thương nhân Thái Lan cho biết, tuy đã có đề xuất về giá sàn cao su của 5 hiệp hội cao su, nhưng “rốt cuộc, thị trường vẫn sẽ quyết định mức giá”.

Cao su SIR20 Indonesia – loại sử dụng cho sản xuất lốp xe – giao tháng 12 có giá dao động 1,48-1,49 USD/kg, giá bán cho Bridgestone, Goodyear và một người mua khác từ Nhật Bản, giới thương nhân cho biết.

Một thương nhân tại Singapore cho biết “Công văn và đề xuất của Hiệp hội Cao su Indonesia (GAPKINDO) đã có tác động lên thị trường và giá cao su khá ổn định, nhưng tôi nghĩ rằng hiện do giá thấp nên người mua quan tâm nhiều hơn”.

Cao su của Indonesia so với sản phẩm cùng loại hiện rẻ nhất Đông Nam Á. Một số thương nhân cho biết, giá cao su Indonesia có thể tăng lên 1,5 USD và hơn nữa nếu thị trường được cải thiện.

Cao su SMR20 Malaysia – loại sử dụng cho sản xuất lốp xe – hiện có giá 1,52-1,53 USD/kg (FOB) và RSS3 Thái Lan là 1,6-1,62 USD, kỳ hạn giao tháng 12.

Giá cao su kỳ hạn tại Singapore – được coi là giá chuẩn cùng với giá trên sàn Tocom Tokyo – vẫn ở dưới mức 1,5 USD/kg kể từ khi phá vỡ mốc này từ cuối tháng 9.

Giá cao su giao tháng 11 trên sàn SICOM Singapore hôm thứ Tư 15/10 đạt 148,7 cent/kg, thoát khỏi vùng lõm 137,4 cent/kg của tháng này, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2009.

Các hội viên Hiệp hội Các nước sản xuất Cao su Thiên nhiên (ANRPC), chiếm 90% sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu, đã nhóm họp tại Kuala Lumpur hôm thứ Hai 13/10 nhưng dường như chưa đưa ra được biện pháp quyết liệt nào để đẩy giá cao su lên.

Malaysia dự định tăng tiêu thụ nội địa bằng việc xây đường xá bằng cao su từ năm tới.
Nước sản xuất cao su hàng đầu thế giới Thái Lan, cũng công bố kế hoạch sử dụng cao su trong xây dựng đường xá, vỉ hè và hồ chứa nước hồi đầu năm, hiện đã sử dụng 3,3 tấn cao su thiên nhiên để xây mỗi km đường.

Sản lượng cao su thiên nhiên của Thái Lan dự báo giảm trong năm nay, trái với dự báo tăng trước đó khi giá cao su giảm mạnh khiến nông dân cao su nước này ngừng khai thác mủ.

Một quan chức Hiệp hội Cao su Thái Lan cho biết, sản lượng cao su thiên nhiên của nước này không thể vượt quá 3,8 triệu tấn trong năm 2014, giảm so với 4,2 triệu tấn năm 2013.

Nguồn cung giảm sẽ giúp cân bằng lại tình trạng dư thừa trên thị trường và cuối cùng đẩy giá lên.

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác