So với các cây trồng chính là lúa, ngô ở xã Hoang Thèn, huyện Phong Thổ thì cây cao su tiểu điền mang lại lợi nhuận gấp hàng chục lần. Việc giá mủ sống lên xuống thất thường (hiện giảm 50% so với cùng kỳ năm trước) đặt ra bài toán cho cả chính quyền và người dân về việc thu mua mủ cao su.

Chúng tôi đến nhà ông Lò Văn Bảo – bản Nậm Cáy, xã Hoang Thèn – hộ dân có 3ha cao su tiểu điền tự trồng, trong đó 2ha cao su được trồng năm 2006 đã cho thu hoạch mủ từ năm 2013. Giống cao su trồng trong vườn nhà ông là giống VNg 77-4 và VNg 77-2 được nhập khẩu từ Trung Quốc theo chương trình hỗ trợ nông dân xóa đói, giảm nghèo của tỉnh. Khi chưa trồng cao su thì đây là nương ngô một vụ, năng suất ngô năm nào cao nhất được 4,5 tấn/ha, với giá bán 4.000 đồng/kg thì một ha, một năm chỉ thu được 18.000.000 đồng.

Năm 2013, 1ha cao su tiểu điền của gia đình ông Bảo cho thu hoạch, trung bình mỗi cây cho 250ml mủ/lần cạo. Với tỷ lệ 40%, tức là cứ 1 lít mủ nước, sau 6 tiếng đồng hồ tự đông cứng, ép được 0,4kg mủ sống. Tính ra, mỗi 1ha có 500 cây thì một lần cạo mủ thu được 125 lít mủ nước, ép được 50kg mủ cao su sống. Giá bán tại huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc khi ấy là 14 tệ/kg (vào khoảng 42.000 đồng/kg).

Lai Châu: Cần có chính sách thu mủ mua cao su cho nông dân

Ông Bảo bên vườn cao su tiểu điền đang rớt giá.

Ông Bảo tâm sự: “Năm trước, với 50kg mủ sống/1 lần cạo, tôi thu được 700 tệ tương đương 2.100.000 đồng. Công ty thu mua mủ cao su ở Trung Quốc đánh giá chất lượng, năng suất mủ cao su ở Việt Nam cao hơn hẳn so với mủ cao su  Trung Quốc. Năm nay, giá bán mủ sống tại huyện Kim Bình giảm xuống còn 7 tệ/kg (tương đương 21.000 đồng/kg. Mỗi lần cạo 1ha cao su, tôi chỉ còn thu được 1.050.000 đồng. Tuy giảm giá nhưng tôi nhẩm tính nếu cạo mủ liên tục trong năm, thì 1ha cao su cho thu tối thiểu 40.000.000 đồng. So với cấy lúa, trồng ngô thì số tiền thu được vẫn cao hơn nhiều”.

Tuy nhiên, từ tháng 5/2014, vườn cao su tiểu điền của ông Lò Văn Bảo và 1 số gia đình 2 xã: Hoang Thèn, Khổng Lào ngừng khai thác mủ cao su bán sang Trung Quốc do thương lái Trung Quốc ép giá quá mạnh, có hôm bán được 7 tệ/kg mủ sống, có hôm người ta chỉ trả có 3 tệ/kg, thậm chí khi mang mủ sang, thương lái Trung Quốc không mua, mang về thì không sử dụng được, buộc phải đổ đi. Bên cạnh đó, vận chuyển mủ sống sang bên Trung Quốc rất khó khăn, do mủ cao su sống có mùi khó chịu, Hải quan Trung Quốc không cho nhập cảnh buộc người bán phải nhờ người mang vác qua các đường tiểu ngạch biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Thường xuyên bị lực lượng bảo vệ biên giới Trung Quốc tịch thu hàng hóa.

Dù tình hình thị trường mua – bán mủ chưa khả quan nhưng người nông dân trồng cao su tiểu điền ở huyện Phong Thổ vẫn tin cây cao su là cây trồng mang lại lợi nhuận vì dù giá mủ cao su đã xuống đến mức thấp nhất như năm nay thì thu nhập từ cao su vẫn cao hơn trồng lúa, ngô. Thực tế, trồng và khai thác cao su không quá vất vả, vốn bỏ ra không nhiều, trồng một lần khai thác được 20 – 25 năm.

Hiện, các hộ trồng cao su tiểu điền tại huyện Phong Thổ vẫn cần mẫn chăm sóc cho vườn cao su của gia đình mình. Họ làm cỏ, bón phân và tự làm lán, trại tại các vườn cao su để bảo vệ, phòng chống cháy cho vườn cao su. Trao đổi với tôi, ông Bảo nói “Tôi sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này, năm nay đã 54 tuổi, đã làm đủ mọi nghề, trồng đủ mọi cây nhưng tôi chưa thấy cây nào mang lại thu nhập cao như cây cao su. Vì cứ mỗi ngày, như năm 2013 nhà tôi thu được 600.000 – 700.000 đồng từ bán mủ cao su, cao su rẻ như năm nay, nếu cạo mủ đem bán mỗi ngày ít nhất cũng được 300.000 đồng”.

Năm nay, thị trường  đang có xu hướng biến động bất lợi, giá cao su tự nhiên xuống thấp. Theo dự báo thì tình hình rớt giá còn kéo dài đến năm 2016. Thị trường xuất khẩu cao su của nước ta chiếm tới 2/3 là thị trườngTrung Quốc. Nhiều hộ nông dân ở một số địa phương thấy bất an đã chặt phá trên dưới 3 ngàn ha để trồng cây khác. Diện tích cao su bị chặt bỏ (chủ yếu là cao su tiểu điền, cây bị đổ, gãy do bão)… Với Lai Châu, cây cao su vẫn là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất hiện nay, ngoài ra nó còn là cây trồng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, cải thiện môi trường.

Với diện tích 528,6ha được trồng chủ yếu ở huyện Phong Thổ, bước đầu cây cao su tiểu điền đã mang lại hiệu quả kinh tế, giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tiếp tục khẳng định chính sách phát triển cây cao su của tỉnh Lai Châu là đúng đắn, hợp lòng dân. Để cây cao su của tỉnh Lai Châu nói chung và cây cao su tiểu điền nói riêng phát triển bền vững, người nông dân tiếp tục ủng hộ chiến lược phát triển cây cao su. Các cấp lãnh đạo tỉnh cần sớm xây dựng nhà máy sơ chế mủ và có chính sách thu mua mủ để nông dân yên tâm sản xuất

Theo Báo Lai Châu

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác