Theo Tổ chức Nghiên cứu cao su Quốc tế (IRSG), nguồn cung cao su tự nhiên 2015 sẽ giảm tới 46% so với năm 2014 do nông dân bỏ trồng. Tuy nhiên, so với sức cầu vẫn dư 202.000 tấn từ mức dư 371.000 tấn năm 2014, khiến giá cao su phục hồi rất chậm.

Bên cạnh đó, giá cao su tự nhiên bị ảnh hưởng lớn từ giá dầu thế giới giảm mạnh khiến giá cao su tổng hợp (một chế phẩm từ dầu) cũng giảm giá theo.

Năm 2015, cao su tự nhiên phải cạnh tranh với cao su tổng hợp cả về giá và sản phẩm thay thế, khi cao su tổng hợp đang là lựa chọn hàng đầu trong phân khúc xe cỡ nhỏ vì tính cán lăn và chống nước.

Nguồn cung cao su tổng hợp dư thừa do Trung Quốc xây quá nhiều nhà máy sản xuất cao su tổng hợp, cũng là một áp lực không nhỏ cho sự phục hồi của giá cao su tự nhiên.

Bên cạnh đó, việc Ấn Độ đang điều tra chống bán phá giá cao su nhập khẩu từ Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, sẽ là một bất lợi cho giá cao su xuất khẩu của 3 nước này. Trong khi đó, 4 nước xuất khẩu cao su chủ lực thế giới là Thái Lan, Việt Nam, Indonesia, Malaysia đang chiếm tới 80% lượng sản xuất cao su tự nhiên.

Tác động cung – cầu làm giá cao su năm 2014 giảm tới 36% so với cuối năm 2013. Quý IV/2013, giá cao su thế giới là 2.500 USD/tấn, thì đến quý IV/2014, giá chỉ còn xấp xỉ 1.600 USD/tấn.

Đầu năm 2015, giá cả có sự phục hồi nhẹ khi cao su RSS 3 tại thị trường Nhật Bản hợp đồng giao tháng 5/2015 là 1.627 USD/tấn (35 triệu đồng/tấn).

Hiện tại, giá mủ cao su RSS 3 tại Việt Nam ở mức 30,1 triệu đồng/tấn.

Năm 2014, tỷ lệ tiêu thụ cao su tự nhiên trong nước khoảng 17 – 18% trên sản lượng sản xuất là 950.000 tấn với diện tích 956.000 héc-ta (50% cho khai thác).

Tuy nhiên, cũng có những tin vui cho các DN sản xuất cao su tự nhiên khi năm 2015, các nhà máy săm lốp như DRC, CSM… dự kiến nâng công suất lên 200.000 lốp, có thể khiến nhu cầu tiêu thụ cao su trong nước tăng nhẹ. Đồng thời, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đã tìm được thị trường xuất khẩu cao su tới 200.000 tấn/năm sang Nhật Bản.
Năm 2014, giá cao su tự nhiên giảm khiến lợi nhuận của các công ty cao su niêm yết giảm theo và giá cổ phiếu ngành cao su giảm 18%, trong khi VN-Index tăng 8,1%.

PHR – lợi nhuận được hỗ trợ từ thoái vốn và gỗ

CTCP Cao su Phước Hòa (PHR) có diện tích vườn cây lớn nhất trong số các DN cao su đang niêm yết. Tuy nhiên, diện tích cây già khai thác trên 16 năm đang chiếm trên 50%, kéo năng suất trung bình của PHR xuống còn 2 tấn/héc-ta, thấp hơn 5 – 10% so với các DN cùng ngành.
PHR đã thiết kế vườn cây hơn 4.100 héc-ta để thay thế và cho khai thác dần từ năm 2015. Bên cạnh đó, PHR có dự án trồng cao su tại Kampong Thom (Campuchia) diện tích 7.600 héc-ta, sẽ khai thác từ năm 2016.

Hoạt động sản xuất – kinh doanh gỗ sẽ đóng góp vào lợi nhuận cho PHR khi Công ty sắp thanh lý 7.000 héc-ta và cung cấp cho công ty con là CTCP Cao su Trường Phát để xuất khẩu.
Ngoài ra, năm nay, Công ty tiếp tục thoái vốn khoảng 173 tỷ đồng tại 3 công ty: Thủy điện VRG Ngọc Linh, Thủy điện Geruco Sông Côn và Công ty Đầu tư hạ tầng VRG.
Dự báo, năm 2015, PHR đạt doanh thu 1.449 tỷ đồng, lãi ròng 175 tỷ đồng, giảm so với mức 1.508 tỷ đồng và 205 tỷ đồng của năm 2014.

HRC – lợi nhuận từ thanh lý cao su

CTCP Cao su Hòa Bình (HRC) là DN có tỷ lệ cây già cao nhất với trên 50% diện tích rừng cao su trên 24 tuổi, đang tái canh trồng mới trên 47% diện tích.

Lợi nhuận 2014 của HRC chủ yếu đến từ lợi nhuận khác với 72 tỷ đồng, trong đó từ thanh lý cây cao su 27 tỷ đồng trong quý IV, giúp HRC thoát lỗ và đạt lợi nhuận 56,1 tỷ đồng trên doanh thu 161 tỷ đồng.

Xu hướng lợi nhuận chủ yếu từ thanh lý cây cao su già của HRC sẽ tiếp tục trong năm 2015.

DPR – năng suất cao nhất tập đoàn

CTCP Cao su Đồng Phú (DPR) có 70% diện tích đang được khai thác. DPR cũng có dự án trồng cao su tại Campuchia với diện tích 6.343 héc-ta, tại Cư Jut (Đăk Nông) diện tích 935 héc-ta. Hai dự án này sẽ cho khai thác một phần trong năm nay.

DPR có 1 công ty con chuyên sản xuất – kinh doanh nệm cao su với thương hiệu Nệm Đồng Phú và hiện hiệu suất mới chỉ đạt gần 30%, tốc độ tăng doanh thu dự kiến trong 2 – 3 năm tới đạt 50%.

Có lợi thế về chất lượng vườn cây, nhưng trong xu hướng chung của ngành cao su, dự báo kết quả hoạt động kinh doanh 2015 của DPR giảm so với các năm trước. Doanh thu năm 2015 của DPR dự kiến đạt 856 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 180 tỷ đồng (năm 2014 là 965 tỷ đồng và 206 tỷ đồng).

– Tin nhanh chứng khoán

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác