Tình trạng người dân chặt phá cây cao su như hiện nay chắc chắn không phải vì lý do gặp khó khăn về mặt kinh tế hay thiếu đất sản xuất, mà có thể là do giá mủ cao su xuống thấp, dịch bệnh hoặc lo ngại về tương lai của cây cao su…

Gần đây, trên địa bàn tỉnh Đăk Nông hàng chục hộ nông dân chặt bỏ cây cao su để trồng các loại cây khác. Diện tích cao su bị chặt bỏ tập trung nhiều nhất tại các xã Đạo Nghĩa, Nhân Đạo, Nghĩa Thắng, Đắk Sin… thuộc huyện Đắk R’lấp; xã Đác D’rô, Nâm N’đir, Nam Đà của huyện Krông Nô. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2013 đến nay, ước tính người dân trên địa bàn đã phá bỏ khoảng 100 ha cao su.

Nông dân Đăk Nông chặt cao su: Thiệt hại vì tin đồn
Chính quyền địa phương cần phải vào cuộc để giảm thiểu thiệt hại cho người dân

Nguyên nhân của sự việc trên là do có tin đồn thị trường xuất khẩu cao su nguyên liệu của Việt Nam đang dần bị thu hẹp. Vì vậy, người dân đã… lo xa? Nhiều người dân ồ ạt phá bỏ cây cao su để trồng các loại cây khác.

Gia đình bà Đào Thị Hạnh, xã Đắk Sin, huyện Đắk R’Lấp đã phá bỏ 1,3ha trong số 4ha cao su để trồng tiêu. Hỏi lý do phá bỏ cây cao su, bà Hạnh cho biết, thời gian qua mủ cao su hạ xuống thấp là do phía Trung Quốc ngừng nhập khẩu, ép giá… Tương tự, nhiều hộ dân ở các xã Đạo Nghĩa, Nghĩa Thắng, Đạo Nghĩa huyện Đắk R’Lấp cũng ồ ạt phá bỏ cao su đang giai đoạn thu hoạch.

Dọc con đường từ Nhân Cơ vào các xã vùng sâu, có thể bắt gặp hai bên đường từng đống thân cây cao su, đang được bốc lên xe tải chở đi… Nhìn những vườn cây xanh tốt lần lượt ngã xuống để thay thế vào đó những loại cây trồng khác chưa biết hiệu quả và đầu ra như thế nào không khỏi khiến những người có trách nhiệm lo lắng.

Tại vườn rẫy ông Lê Đức Thạnh, hơn 1ha cây cao su đang phát triển tốt đã bị gia đình chặt phá không thương tiếc để trồng tiêu.

Ông Thạnh thổ lộ: “Do các nhà máy, đại lý thu mua mủ cao su với giá rất thấp, không đủ ngày công đi cạo mủ. Hiện thị trường xuất khẩu mủ cao su chủ yếu cho Trung Quốc, nhưng nghe nói Trung Quốc đã trồng cao su rất nhiều tại Campuchia và chỉ cần ít năm nữa sẽ ngừng hẳn việc mua mủ cao su của Việt Nam. Vì vậy, gia đình tôi buộc phải giảm bớt diện tích cao su để trồng tiêu nhằm phòng rủi ro…”.

Theo ông Nguyễn Tạo, Phó chủ tịch UBND xã Nhân Đạo, do trồng cao su đòi hỏi phải có quỹ đất lớn và phải mất nhiều thời gian mới thu hồi được vốn, nên chỉ những gia đình có nhiều đất sản xuất, kinh tế khấm khá mới thực hiện được.

Vậy nên, tình trạng người dân chặt phá cây cao su như hiện nay chắc chắn không phải vì lý do gặp khó khăn về mặt kinh tế hay thiếu đất sản xuất, mà có thể là do những nguyên nhân như giá mủ cao su xuống thấp, dịch bệnh hoặc lo ngại về tương lai của cây cao su theo như một số thông tin mà người dân đang đồn thổi. Cũng có thể các thương lái đã tung ra những tin đồn thất thiệt kiểu như trên để “ép giá” khi mua mủ cao su của nông dân.

Tuy nhiên, theo đại diện một doanh nghiệp thu mua, chế biến xuất khẩu cao su trên địa bàn thì hiện nay, thị trường xuất khẩu mủ cao su của Việt Nam không chỉ có Trung Quốc mà còn sang nhiều nước khác trong khu vực và trên thế giới như Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Úc, Nga… Do đó, việc xuất hiện tin đồn Trung Quốc trồng nhiều cao su ở Campuchia hoặc ngừng nhập khẩu mủ cao su của Việt Nam sẽ khiến cho cây cao su ở nước ta bị mất giá là chưa có cơ sở.

Việc giá mủ cao su xuống thấp như hiện nay là do chịu sự ảnh hưởng của quy luật thị trường chứ không phải do Trung Quốc hay bất kỳ thị trường nào tác động. Trong quá trình thu mua mủ cao su, nhiều doanh nghiệp đã giải thích cho người dân về điều này.

Chỉ vì nghe theo những tin đồn thất thiệt, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã ồ ạt chặt bỏ cây cao su để trồng các loại cây khác. Nhằm sớm ngăn chặn tình trạng này, thiết nghĩ chính quyền tỉnh Đắk Nông cần sớm vào cuộc chỉ đạo các địa phương tập trung tuyên truyền, vận động để người dân bình tĩnh, tìm hiểu cụ thể… đừng để bà con nông dân gánh chịu thiệt hại vì những tin đồn thất thiệt…

Bài và ảnh Công Thái

Theo thoibaonganhang.vn

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác