Đó là một trong những giải pháp được lãnh đạo Tập đoàn đề ra để đối phó với tình trạng “phá giá” nhằm bán được hàng của giới cao su tiểu điền khi thị trường tiêu thụ gặp khó khăn.

 Hạ giá thành, tăng chất lượng sản phẩm

Theo ông Võ Hoàng An – Trưởng Ban Xuất nhập khẩu VRG, thời gian qua, khi thị trường tiêu thụ cao su trở nên khó khăn hơn. Giá bán cao su giảm mạnh, sức tiêu thụ chậm, cung cao hơn cầu… thì giá cao su trên các thị trường như MRB, Sicom, Tocom có giảm, nhưng giá cao su tiểu điền trong nước có hiện tượng giảm nhanh hơn và thi nhau giảm trước để tiêu thụ. “Đến nay, giữa Tập đoàn và các tiểu điền chưa có sự phối hợp để có sự vận hành về giá bình thường trên thị trường trong nước”, ông An cho biết.

Liên quan đến vấn đề này, tại cuộc họp Hội đồng Giá mở rộng của VRG vào chiều 4/9, TGĐ Trần Ngọc Thuận, chỉ đạo tới đây Tập đoàn sẽ có sự phối kết hợp với cao su tiểu điền để có sự vận hành giá ổn định, tránh tình trạng cạnh tranh giá, ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu trong nước, cũng như lợi ích của người sản xuất và doanh nghiệp.

Ngoài ra, TGĐ còn chỉ đạo, các công ty cố gắng phấn đấu khai thác hoàn thành vượt mức kế hoạch năm; đẩy mạnh thu mua cao su tiểu điền để tăng doanh thu, lợi nhuận, đảm bảo việc làm và đời sống CNLĐ. “Trong tình hình tất cả các chỉ tiêu kế hoạch đều tụt giảm, vượt sản lượng có ý nghĩa rất quan trọng. Đơn vị càng lớn, cố gắng vượt kế hoạch càng cao”, ông Thuận nhấn mạnh.

Đặc biệt, trong điều kiện khó khăn hiện nay, các công ty cần phải cắt giảm thấp nhất những chi phí chưa cần thiết để hạ giá thành sản phẩm. “Công ty khu vực miền Đông Nam bộ phải cắt giảm chi phí để hạ giá thành sản phẩm xuống còn khoảng 36 đến 37,5 triệu đồng/tấn, để mang lại hiệu quả trong sản xuất và tiêu thụ”, ông Thuận nhấn mạnh.

Bên cạnh các giải pháp trên, TGĐ còn yêu cầu các công ty tích cực, chủ động mở rộng thị trường xuất khẩu; có những dự báo, cập nhật thông tin thường xuyên về thị trường, giá cả để có đối sách kịp thời khi giá trên thị trường biến động, cao su khó tiêu thụ. “Thị trường tiêu thụ càng khó càng phải tăng chất lượng sản phẩm. Nhất là các công ty khu vực Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung phải thực hiện các biện pháp để nâng cao chất lượng sản phẩm, chuẩn hóa sản phẩm, cấp chứng chỉ kiểm phẩm cho tất cả các chủng loại cao su để chào bán và tiêu thụ vào nhiều thị trường khác nhau”, TGĐ chỉ đạo.

Thị trường nội địa: Rất tiềm năng

Theo ông Võ Sỹ Lực – Chủ tịch HĐTV VRG, thị trường tiêu thụ trong nước là rất lớn, Tập đoàn chưa khai thác hết tiềm năng của thị trường nội địa. “3 công ty sản xuất lốp xe của Tập đoàn Hóa chất là Casumina, Cao su Đà Nẵng và Cao su Sao Vàng; cùng với các doanh nghiệp nước ngoài như Kumho, Brigdestone, Yokohama, Sailun, Chengshin… mỗi năm tiêu thụ khoảng 200.000 tấn mủ các loại. Chỉ cần Tập đoàn cung ứng cho thị trường nội địa 100.000 tấn, còn lại xuất khẩu là đã ổn rồi”, ông Lực phân tích.

Còn TGĐ Trần Ngọc Thuận, nêu quan điểm, đây là thời cơ thuận lợi để chuyển đổi cơ cấu sản phẩm và là nhân tố sống còn của doanh nghiệp trong giai đoạn tiếp theo. Định hướng phát triển của Tập đoàn là sản xuất những chủng loại sản phẩm thị trường cần và có giá trị cao.

Dự báo thị trường từ nay đến cuối năm tiếp tục còn nhiều khó khăn, giá bán mủ chỉ nằm mức 1.600 USD/tấn. Để giúp các đơn vị giải quyết khó khăn trong ngắn hạn, Tập đoàn tiếp tục áp dụng cơ chế đặc thù và linh hoạt đối với một số đơn vị khó khăn nhiều trong vấn đề tiêu thụ. Trước mắt, đối với khách hàng ký hợp đồng dài hạn, lãnh đạo Tập đoàn cho phép giảm giá một vài chủng loại sản phẩm theo hướng sát với giá thị trường, áp dụng đơn giao hàng từ tháng 9 đến tháng 12/2014. Đồng thời, đồng ý cho khách hàng nếu có yêu cầu được phép thay đổi công thức tính giá. Đây là một trong những giải pháp nhằm mục đích đảm bảo hài hòa lợi ích giữa bên bán và mua, giữ mối quan hệ tốt với khách hàng truyền thống, thúc đẩy tiếp tục thực hiện hợp đồng…

Bài, ảnh: Bình Nguyên

Theo Tạp chí CSVN

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác