Để bảo vệ cây cao su trước mùa mưa bão, những người trồng cao su trên địa bàn huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đang tích cực triển khai các biện pháp để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do bão gây ra.

Quảng Trị: Chủ động bảo vệ cây cao su trước mùa mưa bão

Người dân xã Vĩnh Thuỷ (Vĩnh Linh) bàn các biện pháp bảo vệ cây cao su trước mùa mưa bão

Là người đã từng sở hữu gần 7 ha cao su, trong đó 6 ha đã cho thu hoạch, mỗi ngày ông Lê Quang Vinh, thôn Thuỷ Ba Tây, xã Vĩnh Thuỷ thu nhập khoảng 5 triệu đồng. Nhờ cây cao su, gia đình ông Vinh và nhiều hộ dân khác ở vùng quê này có cuộc sống khấm khá, sung túc. Tuy nhiên, sau cơn bão số 10 cuối năm 2013 vừa qua, 5 ha cao su đang khai thác của ông Vinh đã bị hư hại, trong đó 4 ha gãy đổ hoàn toàn, không còn khả năng khai thác mủ. Đến nay, với diện tích cao su còn lại, ông Vinh thu nhập mỗi ngày chỉ còn khoảng 700 ngàn đồng.

Toàn huyện Vĩnh Linh có 7.500 ha cao su, trong đó có khoảng 5.600 ha cao su đã cho khai thác, tập trung chủ yếu ở các xã như: Vĩnh Thuỷ, Vĩnh Hiền, Vĩnh Hà, Vĩnh Kim và thị trấn Bến Quan. Trong cơn bão số 10 năm 2013, đã có 1.800 ha cây cao su bị hư hại, trong đó có 120 ha bị gãy đổ hoàn toàn. Nguyên nhân chủ yếu khiến số lượng lớn cây cao su bị gãy là do mật độ cây trồng quá dày tạo nên sức cản gió lớn khiến cây dễ bị gãy, đổ khi gặp bão. Một số hộ dân chỉ chú trọng đến mở rộng diện tích mà không tạo vành đai chắn gió cho vườn cao su. Hoặc vì chạy theo lợi nhuận nên một số hộ khai thác mũ theo kiểu “vắt kiệt” khiến cây yếu, không đủ sức chống chịu khi gặp bão… Rút kinh nghiệm từ những năm trước, huyện Vĩnh Linh đã chủ động triển khai nhiều biện pháp giúp người dân bảo vệ cây cao su, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Tuy nhiên, khi đề cập đến vấn đề thay thế cây trồng mới, ông Vinh khẳng định: “Mặc dù đa số diện tích cao su bị thiệt hại nặng do mưa bão song tôi và những hộ dân ở đây vẫn kiên quyết giữ cây cao su bởi đến thời điểm này, chưa có loại cây nào có giá trị kinh tế cao bằng cây cao su. Rút kinh nghiệm từ năm trước, hiện tại, tôi đang áp dụng nhiều biện pháp để bảo vệ cây cao su, hạn chế thiệt hại do mưa bão gây ra. Đối với vườn cao su bị gãy đổ, tôi sẽ khôi phục lại bằng cách chọn một số giống cao su thân cứng, có khả năng chống chịu gió tốt”.

Theo ông Vinh cùng nhiều hộ trồng cao su ở đây thì đối với những vườn cao su ở vùng gò đồi, việc trồng rừng vành đai bảo vệ ít hiệu quả. Kinh nghiệm chống bão đối với cây cao su được người dân nơi đây áp dụng là tạo tán thấp, tỉa thưa cành, phải liên tục cắt ngọn non để tránh để cây cao su vươn cao. Bên cạnh đó, phải thường xuyên phát quang cây dại để vườn cao su luôn thông thoáng gió. Đối với những vườn cao su đang giai đoạn kiến thiết cơ bản tăng cường bón phân, từ 3 – 4 lần/năm để cây chắc rễ. Đối với vườn cao su đang khai thác cần áp dụng nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật khai thác, đặc biệt là khai thác thưa để đảm bảo cây chắc, không dễ gãy khi gặp bão.

Ông Lê Tiến Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Vĩnh Linh cho biết: “Ngay từ đầu mùa mưa bão, Phòng Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu cho UBND huyện tập trung chỉ đạo công tác bảo vệ các vườn cao su, đặc biệt là diện tích cao su đang thời kỳ kiến thiết cơ bản. Tập trung đầu tư chăm sóc để cây cao su phát triển một cách cân đối; thực hiện việc tạo cành, tỉa tán để cao su phát triển hạn chế về chiều cao. Về công tác quy hoạch, đối với những vùng có nguy cơ cao ảnh hưởng trực tiếp của bão, tăng cường trồng cây phân tán tạo các đường băng phòng hộ, hạn chế gió bão gây thiệt hại cho cây cao su. Về định hướng lâu dài, địa phương sẽ xem xét điều chỉnh lại quy hoạch cây cao su hợp lý, đối với những vùng bị ảnh hưởng lớn của gió bão hoặc vùng có diện tích cao su nhỏ lẻ sẽ chuyển đổi sang các loại cây trồng khác. Áp dụng quy trình mới đối với trồng cây cao su bằng việc tăng mật độ trên đơn vị diện tích, lựa chọn bộ giống cây cao su có tính chống chịu cao đối với mưa bão. Đảm bảo quy trình chăm sóc, tạo cành từ khi trồng đến khai thác”.

Theo Báo Quảng trị

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác