Đó là đề nghị của các cử tri tại Hội nghị tiếp xúc cử tri theo chuyên đề: “Tái cơ cấu ngành cao su theo hướng giá trị gia tăng, phát triển bền vững hơn” do đoàn đại biểu Quốc hội (QH) tỉnh Gia Lai tổ chức vừa qua.

Doanh nghiệp phải tự đổi mới

Phát biểu tại buổi tiếp xúc, theo Phó TGĐ VRG Nguyễn Văn Tân, đối với các CTCS ở Tây Nguyên, vấn đề năng suất vườn cây, chất lượng sản phẩm đang là vấn đề lớn cần phải cải thiện trong thời gian tới. Ông cũng đề cập đến tình hình khó khăn hiện nay mà các doanh nghiệp ngành cao su đang đối mặt, do thị trường tiêu thụ sản phẩm không thuận lợi, giá bán mủ thấp.

Tuy vậy, các doanh nghiệp vẫn cố gắng đảm bảo thu nhập và việc làm cho người lao động, nhất là lao động dân tộc thiểu số. Ông Tân cũng cho biết, hiện VRG đang tích cực liên kết với các tập đoàn khác để sản xuất các sản phẩm cao su theo chiều sâu, tăng cường tiêu thụ nội địa.

Ông Phan Sỹ Bình – TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông, nêu vấn đề: “Doanh nghiệp muốn tồn tại thì phải tự sắp xếp, đổi mới, mà cụ thể là tái cơ cấu doanh nghiệp. Một trong những yếu tố tiên quyết để các doanh nghiệp cao su ở Tây Nguyên tồn tại và phát triển là phải giải quyết được vấn đề chất lượng sản phẩm”.

Nhiều kiến nghị hỗ trợ người làm cao su

Nhiều cử tri đã trình bày với đoàn đại biểu QH tỉnh những khó khăn, vướng mắc hiện nay. Đồng thời, kiến nghị một số biện pháp nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp và các hộ cao su tiểu điền được giãn nợ, cho vay với lãi suất thấp hoặc tạo điều kiện để doanh nghiệp thu mua tạm trữ cao su như việc thu mua tạm trữ gạo…

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước VN tỉnh Gia Lai, ông Nguyễn Văn Cư, chia sẻ: “Ở góc độ ngân hàng, chúng tôi nhận thấy tình hình hiện nay hết sức khó khăn cho doanh nghiệp và người trồng cao su. Về ngân hàng, nếu không có người vay thì cũng hết sức khó khăn. Hiện nay, lĩnh vực cao su được các ngân hàng chọn lựa cho vay nhiều nhất, bởi đây là lĩnh vực mang tính ổn định và an toàn nhất cho ngân hàng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp tốt hơn nữa để hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhất là các đơn vị cao su và bà con tiểu điền để có thể vượt qua khó khăn”.

Ông Đinh Lật, một hộ cao su tiểu điền người Jarai ở làng Rơng Khơng, huyện Đăk Đoa, kiến nghị Nhà nước cần hỗ trợ nhanh cho người nông dân trong vấn đề tiêu thụ, nâng giá bán để người dân có thể giữ đất, giữ vườn cây. Nếu tình hình này tiếp tục kéo dài mà không có sự can thiệp của Nhà nước thì người nông dân rất khó giữ được diện tích cao su.

Các cử tri khối doanh nghiệp cao su cũng nêu nhiều kiến nghị với đoàn đại biểu QH và với VRG, như cần có chính sách thu hút các nhà đầu tư lên Tây Nguyên đầu tư chế biến sâu các sản phẩm từ cao su nguyên liệu nhằm tiêu thụ nguồn nguyên liệu tại chỗ, nâng giá trị gia tăng.

Mặt khác, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giãn thời gian nộp thuế và tiếp tục hỗ trợ đào tạo nghề đối với dân tộc thiểu số, hỗ trợ các doanh nghiệp một số chính sách trong việc đóng BHXH, BHYT… Chính quyền địa phương cần quy hoạch diện tích cao su một cách cụ thể, khoa học hơn nữa để các doanh nghiệp có thể đầu tư lâu dài, ổn định.

Kết luận buổi tiếp xúc, ông Hà Sơn Nhin – Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, Trưởng đoàn đại biểu QH tỉnh Gia Lai, khẳng định: “Trong định hướng cũng như nghị quyết của mình, lãnh đại tỉnh Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung đều xác định nông nghiệp là thế mạnh, trong đó cây công nghiệp là chủ lực và cây cao su chính là mũi nhọn trong việc phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Do đó cần phải có biện pháp để giữ diện tích cao su, tránh tình trạng chặt bỏ. Đoàn đại biểu QH tỉnh ghi nhận những ý kiến của cử tri và sẽ có ý kiến, văn bản với địa phương, với Chính phủ và các cơ quan chức năng nhằm sớm có phương án hỗ trợ, giúp đỡ doanh nghiệp và bà con tiểu điền vượt qua khó khăn”.

Văn Vĩnh – Hà Đức Thành

Theo tạp chí CSVN

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác