Khi mới nắm quyền hồi tháng 5 vừa qua, chính quyền quân sự Thái Lan nhận thức rất rõ nhiệm vụ khó khăn trước mắt là giải quyết “núi gạo” tồn kho xuất phát từ chương trình hỗ trợ giá gạo suốt ba năm của chính phủ tiền nhiệm. Nhưng rồi thay vì gạo, “bài toán” về cây cao su mới thực sự là thách thức cam go đầu tiên của họ.

Thái Lan: Người trồng cao su ồ ạt đốn cây bán gỗ

Nông dân chăm sóc cây cao su tại tỉnh Surat Thani, miền nam Thái Lan.

Giá cao su giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 7 năm qua khiến chính phủ của quốc gia sản xuất và xuất khẩu cao su lớn nhất thế giới này đang “ngồi” trên 200 ngàn tấn cao su tồn kho do cung vượt quá xa cầu.

Trước tình hình đó, một số nông dân ở tỉnh Nakhon Sri Thammaratin, miền nam Thái Lan, buộc phải chặt phá cây cao su để bán gỗ.

Tại một số nông trại, nhiều cây cao su con cần khoảng 7 năm nửa mới có thể trưởng thành. Tuy nhiên, do cao su rớt giá, nhiều nông dân đang chuẩn bị phá bỏ chúng để trồng những cây khác mang lại lợi nhuận cao hơn, chẳng hạn như cây ăn quả.

Người nông dân Thái Lan hiện có nhiều quan điểm và phản ứng trái chiều.

Một số người cho biết, họ không trông chờ vào sự can thiệp của chính phủ bằng một chính sách trợ cấp tương tự như chính phủ cũ đã làm với gạo.

“Nên để giá cả lên xuống một cách tự nhiên. Không ai có thể sắp đặt giá cả như chính phủ cũ đã làm. Họ định giá 100 baht cho mỗi kg gạo. Và kế hoạch như vậy chỉ có thể kéo dài được vài tháng”, một nông dân tên Montri Pantanid nói.

Tuy nhiên, một số khác đổ lỗi chính quyền quân sự gây ra cuộc khủng hoảng thừa cao su này.

“Nguyên nhân là do đảo chính. Kể từ khi đảo chính xảy ra, giá cao su giảm mạnh”, anh Sombat Patanalung nói.

Nông dân Thái Lan đang có kế hoạch tổ chức cuộc biểu tình nhằm gây sức ép chính phủ lâm thời có biện pháp giúp đỡ, bất chấp lệnh giới nghiêm vẫn đang được áp đặt.

Những người khác, thực tế hơn khi cho rằng, nguyên nhân là do nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc giảm và cung vượt quá cầu. Họ cũng tin rằng việc hàng loạt nông dân trồng lúa chuyển sang trồng cao su là nguyên nhân chính khiến giá giảm.

Chính phủ Thái Lan đã có một số giải pháp giải quyết cuộc khủng hoảng, là tìm cách dùng cao su để xây dựng đường xá và sản xuất… dây thun. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu hiện nay vì làm thế tuy không đẩy giá cao su lên cao hơn nhưng ít ra cũng không để giá giảm sâu hơn.

Tuy nhiên, bất luận nguyên nhân khủng hoảng là gì, nông dân Thái Lan vẫn mong chờ một giải pháp từ chính phủ. Tới nay, chính phủ đã bán được một nửa số cao su tồn kho và có kế hoạch bán nốt nửa còn lại vào cuối tháng 9 này nhằm ổn định thị trường và có giải pháp kích cầu trong tương lai.

//Tin tự động cập nhật//


Bài viết khác